“Xanh hóa” để phát triển logistics bền vững
Nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển logistics
Việt Nam đang nằm ở vị trí chiến lược trên bản đồ vận tải quốc tế. Trong những năm qua, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng.
Thông tin tại hội thảo ‘"Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2023 đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Phát triển logistics "xanh" là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Hải, /chu-de/trung-tam-logistics.topic có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
"Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics", ông Hải cho biết.
Nhận định về thị trường logistics năm 2024, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trong ngành logistics trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.
Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) |
Hiện nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các doanh nghiệp logistics thứ ba. Trước bối cảnh đó đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng "xanh" hóa.
Việc thực hiện tốt hoạt động logistics "xanh" không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…
"Trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để "xanh" hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu", ông Trung nói và nhấn mạnh việc "xanh" hóa ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp; tuy nhiên, doanh nghiệp không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như những khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu.
Đưa "xanh" hoá làm động lực
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, "xanh" hóa trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp trong ngành logistics.
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản về "chuyển đổi xanh", phát triển bền vững ở tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa. Hành lang pháp lý thuận lợi với lộ trình thực hiện cụ thể đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics "xanh", tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp trong ngành.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò logistics "xanh" trong phát triển bền vững. (Ảnh minh họa) |
Về phía doanh nghiệp logistics, nhận thức và triển khai các hoạt động "xanh" hóa cũng đã được quan tâm. Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết: Trong quá trình vận hành, Viettel Post đã cho áp dụng mô hình "bưu cục di động". Các bưu cục này được thiết kế trên xe tải, được ứng dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục với nhau cũng như bưu tá với bưu cục.
Hàng hóa của người gửi sẽ được chia chọn, phân tuyến trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo. Với mô hình này, Viettel Post đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển.
Nhờ đó, hạn chế tần suất hoạt động của xe, giảm lượng khí thải ra môi trường; đồng thời, hạn chế luân chuyển hàng hóa giúp tối giản việc bọc các lớp nilon chống sốc cho bưu phẩm, giảm lượng chất thải ra môi trường.
Đặc biệt, Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ…
Tại Việt Nam, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò logistics "xanh" trong phát triển bền vững để có định hướng thúc đẩy các hoạt động này. Theo khảo sát của Ban Biên tập "Báo cáo logistics Việt Nam 2022", có tới 73,2% số doanh nghiệp được hỏi cho biết logistics "xanh" đã được đưa vào trong chiến lược kinh doanh.
Phát triển logistics "xanh" là xu hướng tất yếu, đồng thời là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam Lê Quang Trung cho rằng: Thúc đẩy logistics "xanh" để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung. Do đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, từ đó, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.