Thứ tư 13/11/2024 14:07
Phát triển du lịch Yên Bái

Xanh, bản sắc, khác biệt

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái theo hướng du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn.

Phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch

Với vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, cảnh quan và hệ sinh thái, những năm gần đây, Yên Bái đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bức tranh tuyệt đẹp của ruộng bậc thang Yên Bái vào mùa lúa chín (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, điểm thu hút, hấp dẫn lớn nhất du khách đến với Yên Bái là loại hình du lịch cộng đồng, do người dân bản địa tự làm chủ; tự tổ chức, quản lý các tour tuyến trong phạm vi thôn, bản gắn với cuộc sống, sinh hoạt đời thường của người dân đang sinh sống.

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được xếp hạng, trong đó nổi bật là Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những yếu tố đó đã trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn.

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Trạm Tấu là một điểm du lịch hấp dẫn của Yên Bái (Ảnh: TTXVN)

Các sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...). Bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là: Du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy, du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận, du lịch miền Tây và du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên.

Đặc biệt, ngay sau đại dịch Covid-19, việc lấy du lịch văn hóa làm nền tảng gắn với du lịch nghỉ dưỡng tại Yên Bái với phương châm phát triển sản phẩm theo hướng lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm, lấy nhân dân làm chủ thể các sự kiện lễ hội du lịch đã tạo nên điểm nhấn mới cho du lịch Yên Bái năm 2023. Đây cũng có thể nói là thành công bước đầu ngay sau Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch năm 2023 khi Yên Bái là một trong những tỉnh sớm nhất có hành động cụ thể triển khai Nghị quyết số 82-NQ/CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, góp phần tăng số lượng và chất lượng khách du lịch đến Yên Bái trong năm 2023.

Năm 2023, tỉnh Yên Bái đã đón và phục vụ trên 2 triệu lượt khách (vượt 39,2% so với kế hoạch; tăng 31,4% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt 151 ngàn lượt (đạt 101% kế hoạch, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 1.7 tỷ đồng (vượt 27,4% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, việc tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch lớn cùng các lễ hội địa phương được cho là những "cú hích” hiệu quả, có tính chu kỳ nhằm thu hút du khách. Điểm nhấn của các hoạt động năm nay là giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương nhằm góp phần định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương.

Đơn cử, huyện Văn Chấn tạo được sức lan tỏa và tiếng vang rất lớn với Lễ hội trà Shan tuyết là lễ hội đầu tiên của cả nước vinh danh trà tuyết cổ thụ gắn với văn hóa các dân tộc địa phương; huyện Lục Yên đang thực hiện rất tốt việc thu hút khách du lịch với các lễ hội truyền thống rất đặc sắc, như Lễ hội Pay Tái, Xo May, Cắc Kéng…

Thị xã Nghĩa Lộ, ngoài Lễ hội Mường Lò còn có điểm nhấn đặc biệt từ Hội thi "Lung linh vòng xòe" thu hút 14 xã, phường tham gia trong 3 ngày với lượng khách rất đông đảo; huyện Trạm Tấu ghi dấu ấn và sức lan tỏa mạnh mẽ với Giải leo núi "Bước chân trên mây" với sự tham gia của hơn 100 nhà báo trên toàn quốc và hàng trăm bài báo giúp Yên Bái lan tỏa hình ảnh đẹp tới du khách trong nước và quốc tế, Festival Khèn Mông gắn với vinh danh 02 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải cùng Lễ hội hoa Tớ dày lần thứ 2 giúp sản phẩm "Pink season Mù Cang Chải" trở thành nét son cuối năm của huyện Mù Cang Chải trong hành trình phát triển du lịch năm 2023.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng

Thời gian qua, du lịch tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn sơ khai, chưa thật sự chuyên nghiệp.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, nhằm phát triển du lịch Yên Bái theo đúng định hướng, ngày 29/2/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và phát triển du lịch năm 2024.

Theo đó, tỉnh Yên Bái xác định tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng ở mỗi địa phương theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá đặc trưng nổi bật của từng địa phương theo chủ đề du lịch năm 2024: Yên Bái – Hành trình xanh, bản sắc, khác biệt. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2024 đạt 1,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 1500 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa hướng tới phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Một là, xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Hai là, tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với chuyên nghiệp hóa các dịch vụ du lịch. Xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn "Sản phẩm mới, phong cách mới, trải nghiệm mới” trên cơ sở khai thác tốt những nét độc đáo, khác biệt về văn hóa của vùng, địa phương, kết nối các sản phẩm liên vùng để hình thành rõ các tour, tuyến tiếp cận khách hàng theo hướng đa chủ đề, đa cảm xúc.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, sớm hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch số gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa; đổi mới cách xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các thị trường tiềm năng, phù hợp. Triển khai chiến dịch truyền thông cao điểm nhằm kích cầu du lịch với thông điệp "Yên Bái điểm đến an toàn, thân thiện,bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường các kĩ năng trong lĩnh vực du lịch và đào tạo ngoại ngữ phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

Du khách trải nghiệm sao chè Suối Giàng (Ảnh: HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng)

Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường các hình thức quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng, hình thành những nét đặc trưng, điểm nhấn riêng cho du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Hoàng Phương
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Yên Bái

Tin cùng chuyên mục

Tỉnh cuối Đồng bằng sông Hồng, sắp khởi công siêu dự án điện khí LNG 2 tỷ USD

Nông dân Quảng Ninh làm giàu từ sản phẩm OCOP

Kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh: 4 ngành công nghiệp trọng điểm được hỗ trợ 100% lãi suất vay

Sóc Trăng: Quyết tâm biến cảng Trần Đề thành trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đa dạng hình thức kinh doanh ‘thời vụ’ trong tuần lễ hoa dã quỳ ở Gia Lai

Bến Tre: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 12% so cùng kỳ

Bắc Giang: Sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 28,1% so với cùng kỳ

Vĩnh Long: Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 13%, ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sóc Trăng: Đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Phước: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% với cùng kỳ

Hải Phòng: Đẩy nhanh tốc độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều điểm sáng về kinh tế, thương mại, dịch vụ 10 tháng năm 2024

Phương tiện giao thông tăng nhanh, gây áp lực hạ tầng giao thông tại Đắk Lắk

Ngành Công Thương Hà Nội: Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP