Nhân lực là vấn đề quan trọng trong phát triển điện hạt nhân
CôngThương - Thiếu nguồn lực
Tiến sĩ Trần Kim Tuấn - Viện trưởng Viện Kỹ thuật hạt nhân và vật lý môi trường, trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Ngay từ khi khởi động dự án điện hạt nhân, các cơ quan có trách nhiệm đã nhận thức rõ vai trò của việc đào tạo nhân lực. Nhiều chương trình đào tạo trong nước và nước ngoài tại các bộ, ngành đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, theo dõi, tìm hiểu chưa đầy đủ nên chương trình đào tạo nhân lực điện hạt nhân chưa sát với thực tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục làm việc với các đối tác để đưa lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào các chương trình học bổng nước ngoài, đồng thời có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sinh viên theo học trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cử hàng chục cán bộ, chuyên gia sang đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cũng như dài hạn về năng lượng nguyên tử (trong đó có điện hạt nhân) tại Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Phạm Lê Thanh -Tổng giám đốc EVN - khẳng định, tập đoàn đã có kế hoạch tiếp nhận, sử dụng các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân theo hình thức vừa học vừa làm, với các khóa đào tạo nâng cao hàng năm tại nước ngoài, nhằm chuẩn bị nhân lực cho vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện đề án về đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân; Bộ GD&ĐT xem xét thực hiện thí điểm đào tạo về hạt nhân trong nước có lồng ghép với các chương trình đào tạo có liên quan; các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện chính sách thu hút, ưu đãi nhân lực trong lĩnh vực này. |
Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, để đáp ứng nhiệm vụ theo quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2020, cần có 6.000 người có trình độ từ đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (bao gồm cả điện hạt nhân). Để hoàn thành, ước tính cần tổ chức đào tạo và tuyển dụng mới khoảng 5.000 người. Tuy nhiên, theo đánh giá trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA): Hiện số người cần đào tạo và tuyển dụng mới cho các chuyên ngành hạt nhân chỉ chiếm khoảng 22% (khoảng 1.100 người).
Xây dựng lộ trình đào tạo từ nhu cầu thực tế
Bộ GD&ĐT cho rằng, cần xác định rõ nhu cầu nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân giai đoạn 2020 -2030 cũng như nhu cầu nhân lực trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử đối với các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài nguyên môi trường, an ninh quốc phòng và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân. Chỉ trên cơ sở số liệu chính xác về nhu cầu nhân lực mới có thể xây dựng được kế hoạch tổng thể và lộ trình đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để có kế hoạch đào tạo, tiếp nhận, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước với việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN để triển khai.