Sau 3 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã mang lại những kết quả rất tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ cần tiếp tục nỗ lực thực hiện để gia tăng cơ hội mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam.
Tận dụng cơ hội
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - đánh giá, kết quả đạt được sau 3 năm CPTPP có hiệu lực cho thấy, việc sẵn sàng đi đến vùng đất mới, thị trường mới của doanh nghiệp trong nước như Chi Lê, Peru, Mexico… đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, nhưng doanh nghiệp đã bắt nhịp nhanh với các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường.
Đáp ứng các quy tắc xuất xứ để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP |
So với một số Hiệp định thương mại tự do khác, CPTPP được đánh giá có những quy định về xuất xứ rất “mở”, là điều kiện thuận lợi để hàng Việt dễ dàng bước vào các thị trường nội khối tiềm năng. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, trong một số trường hợp có những yếu tố làm cho quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, khó đáp ứng hơn, nhưng qua đó cũng để tránh tình trạng những nước không phải thành viên của hiệp định có thể hưởng lợi từ các quy định này.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định về quy tắc xuất xứ, song có không ít doanh nghiệp nhận thức về vấn đề này còn hạn chế, khó khăn. “Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó là Bộ Công Thương và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thực hiện được chuẩn mực quy tắc xuất xứ, ví dụ như trong ngành công nghiệp xi măng để xuất khẩu xi măng tới các nước thành viên Hiệp định CPTPP” - ông Lương Đức Long - PGS.TS. Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam - nêu ý kiến.
Thay đổi cách thức sản xuất
Các thành viên CPTPP, trong đó có 4 nước khu vực châu Mỹ như Mexico, Peru, Chi Lê, Canada… đều là các nền kinh tế có độ mở cao với mạng lưới FTA rộng khắp. Bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - cho hay, chúng ta có thể tận dụng những mối liên kết này để tiếp cận các thị trường mà 4 nước này có quan hệ FTA. Tuy vậy, sẽ không thật sự dễ dàng vì mỗi FTA có một quy tắc xuất xứ riêng biệt. “Vì thế, doanh nghiệp cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất với các nước đối tác CPTPP. Ví dụ, doanh nghiệp xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm sơ chế, sau đó thực hiện gia công hoàn thiện sản phẩm tại nước bạn nhằm thỏa mãn điều kiện về quy tắc xuất xứ của FTA mà bạn có với một nước thứ 3 và thực hiện xuất khẩu” - bà Hồng Anh nói.
Trong Hiệp định CPTPP quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR). Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP. Về thủ tục tự chứng nhận xuất xứ, CPTPP yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất.
Dựa trên quy định này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất phù hợp cho từng loại hàng hóa theo quy định xuất xứ; cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cũng phải có cách hướng dẫn cụ thể cho người nông dân, người thu mua đến doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khập khẩu nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ.
Quá trình nội luật hóa nhằm thực thi Hiệp định CPTPP đang đóng góp rất tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như thay đổi về hành vi sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của thị trường. |