ASEAN: Đặt mục tiêu đưa Hiệp định RCEP có hiệu lực ngày 1/1/2022 RCEP: Chú trọng về hợp tác bản quyền trong thương mại Thực thi Hiệp định RCEP: Chủ động phòng vệ, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh |
Sau 8 năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định RCEP, ngày 15/11/2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức ký kết RCEP. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, là thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
Hiệp định RCEP chính thức được ký kết ngày 15/11/2020 gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) |
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ khoảng 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Trước đó, trả lời báo chí về tiến trình phê chuẩn Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đang hoàn tất các bước cuối cùng và rất hy vọng tham gia vào nhóm nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định, dự kiến có thể hoàn thành phê duyệt Hiệp định RCEP trước tháng 11 năm 2021. Nếu đến ngày 31/10/2021 có đủ 6 nước ASEAN và thêm một đối tác nữa trong số ba nước Hàn Quốc, New Zealand và Australia hoàn thành phê chuẩn thì hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Để thực thi RCEP, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP. Cụ thể, liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo nêu rõ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu, dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.
Đặc biệt, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên; có số tham chiếu cụ thể thể hiện bằng tiếng Anh; chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra, xác minh theo những phương thức gửi thư đề nghị yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin. Hoặc, gửi thư đề nghị yêu cầu nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin.
Mặt khác, gửi thư đề nghị cho tổ chức cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu bằng việc quan sát quá trình sản xuất sản phẩm và kiểm tra các chứng từ, tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng hóa bao gồm các dữ liệu kế toán mà bất kỳ cơ chế mà các nước thành viên thoả thuận.
Ngoài ra, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép thông quan hàng hóa, nhưng có thể yêu cầu việc thông quan tuân thủ theo quy định nội luật.
Có thể nói, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, Hiệp định RCEP cũng sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế , doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế.
“Đồng thời, chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa”- ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị.