Bộ Công Thương vào cuộc cùng tỉnh Quảng Ninh khắc phục tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu Xuất nhập khẩu vượt kỷ lục 600 tỷ USD, ước đạt 667,5 tỷ USD |
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2021. Ông có đánh giá gì về tình hình xuất nhập khẩu trong năm vừa qua?
Năm 2021 là năm rất khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn có nhiều điểm sáng.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương |
Cụ thể, về thị trường xuất khẩu, tất cả các thị trường khu vực châu Á đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là các nước ASEAN. Nhiều thị trường chính trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore đều có mức tăng trưởng tốt, khoảng trên dưới 20%. Còn tính chung cả khu vực thì kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì con số tăng trưởng khoảng 10%.
Ngoài ra, các nhóm mặt hàng như dệt may, da giầy hay các sản phẩm điện tử cũng duy trì kim ngạch xuất khẩu sang khu vực Châu Mỹ khá tốt. Thị trường Hoa Kỳ hiện nay vẫn là thị trường dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu và dự kiến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhóm những thị trường mới như Mexico, Peru, Chile cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, trên dưới 30%. Kết quả này là nhờ hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định EVFTA và CPTPP. Sắp tới đây, khi nước ta tham gia các hiệp định khác, cùng với Hiệp định EVFTA, CPTPP sẽ tạo nên những tác động hết sức to lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định này, Bộ Công Thương đã tích cực thông tin, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi. Bên cạnh đó, hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ Hiệp định thành kết quả cụ thể. Ngoài ra, để góp phần khôi phục năng lực sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay chưa bị đẩy lùi hoàn toàn thì các hoạt động xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ như các hoạt động giao thương trực tuyến, thương mại điện tử đã được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn và từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xuất khẩu.
Dự kiến hết năm 2021 thì chúng ta sẽ đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng trên 660 tỷ USD, là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục |
Đóng góp trong thành tích đó, đâu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thưa ông?
Đã có nhiều mặt hàng giữ được kim ngạch tốt trong thời gian qua, từ những mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến như điện tử, điện thoại, máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ… cho đến các mặt hàng nhóm nông sản như hạt tiêu, cao su, sắn, cà phê… đều có mức tăng trưởng khá đồng đều. Ngoài ra, một số mặt hàng như xơ sợi, nguyên phụ liệu dệt may, phương tiện vận tải ô tô, xi măng… dù không có tổng kim ngạch cao so với các mặt hàng chủ lực nhưng sự tăng trưởng cũng ở mức khá. Đây là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp ngành hàng này, đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch, tận dụng tốt những ưu đãi từ FTA. Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang có sự phục hồi. Đây chính là cơ hội cho những nước hướng xuất khẩu như Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Liên quan đến vấn đề logistics, theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, cước phí cho hàng xuất khẩu vẫn ở mức cao dù thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong thời gian tới, liên bộ có hướng giải pháp làm sao để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Vấn đề cước phí vận tải là một vấn đề nóng trong suốt 2 năm vừa qua. Đây cũng là một vấn đề chung của toàn cầu khi cước phí gia tăng không phải chỉ tại thị trường Việt Nam. Nói đúng hơn là Việt Nam bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng giá trên thị trường, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc với các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu.
Thời gian qua, các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương đã lập các đoàn kiểm tra để đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về niêm yết giá đối với hoạt động vận tải cũng như rà soát các loại phụ phí trong lĩnh vực vận tải biển. Kết quả là đã có những phụ phí quá cao quá hoặc là cơ sở thiết lập các mức phí đấy cũng chưa hoàn toàn hợp lý. Vấn đề này Bộ Giao thông vận tải cũng đang triển khai quyết liệt để tạo được sự hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen như hiện nay, ông có lưu ý gì cho các doanh nghiệp Việt Nam không, thưa ông?
Đã có rất nhiều FTA đã có hiệu lực trong thời gian qua, không chỉ mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước giúp tăng năng lực sản xuất, mà còn khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong giao dịch quốc tế. Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tạo áp lực cho doanh nghiệp của chúng ta phải nhận thức rõ về những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng như thuế chống phá giá, chống trợ cấp… Thậm chí các nước có thể đưa ra những vụ kiện và doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm thế đối mặt, tham gia giải trình.
Một điều nữa tôi cũng hết sức lưu ý đó là trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng, doanh nghiệp của chúng ta cần hiểu biết rõ để không tiếp tay cho hành vi vi phạm như hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá.
Xin cảm ơn ông!