Chủ nhật 22/12/2024 19:11

Vụ án chuyến bay giải cứu: Nỗi đau mất cán bộ và lời Bác Hồ năm xưa về “đạn bọc đường”

Vụ án chuyến bay giải cứu đã để lại những bài học sâu sắc về công tác quản lý cán bộ.

Nỗi đau mất cán bộ

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, trong số 54 bị cáo bị truy tố trước pháp luật có 21 bị cáo là cán bộ các cấp. Tỷ lệ cán bộ bị truy tố ở đây lên đến 39%, một tỷ lệ cao hiếm thấy với một vụ xét xử. Đúng như lời một bị cáo phát biểu, đại dịch Covid-19 không chỉ để lại nỗi đau mất tính mạng, tài sản của biết bao nhiêu người, bao gia đình mà còn để lại một "nỗi đau nhân thế" khác: Nỗi đau mất cán bộ!

Những cán bộ này có cả lãnh đạo cấp bộ, cấp vụ và lãnh đạo tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, lại có cả diện thuộc Trung ương quản lý. Nghĩa toàn bộ số 21 cán bộ này đều ít nhiều nắm chính sách trong tay, có khả năng tác động đến người khác.

Chắc chắn là họ biết rõ, rất rõ tinh thần cơ quan Nhà nước “chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Đó là một cái “lim” luôn song hành với quá trình thực thi công vụ.

Chức vụ của 21 bị cáo này cho phép nhận ra rằng, đây hầu hết là những đảng viên. Văn bản của Đảng quy định rất rõ nhận diện những hành vi được làm cũng như không được làm với mỗi đảng viên.

Nhưng căn cứ vào những lời khai của 21 bị cáo bị truy tố trước toà được tường thuật trên báo chí truyền thông trong những ngày xét xử vụ án lại gần như không thấy ở họ dấu hiệu bắt buộc của mỗi cán bộ đảng viên như thường được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọngnhắc nhở, là phải luôn “đúng vai, thuộc bài”.

Ở đây “đúng vai, thuộc bài” là chấp hành pháp luật của Nhà nước, chấp hành kỷ luật của Đảng. Những chức vụ họ đảm nhận cho phép nhận ra rằng không những chấp hành mà lẽ ra họ phải là những người chấp hành cao hơn, tự giác hơn và cũng phải có độ tỉnh táo cao hơn nhiều cán bộ, đảng viên khác.

Sự vi phạm pháp luật của những cán bộ, đảng viên để phải hầu toà trong vụ án chuyến bay giải cứu đã để lại những nỗi day dứt, bài học khắc khoải ngay cả khi vụ án được khép lại.

Cũng lại là thêm đau xót khi dịch Covid-19 không chỉ khiến đất nước ta mất đi nhiều đồng bào. Dịch Covid-19 còn làm “mất” nhiều cán bộ, dẫu rằng những sai phạm của họ phải đổi bằng những bản án. Và đó cũng là điều không ai mong muốn, không ai thích thú.

Phiên toà vụ án chuyến bay giải cứu

Không chỉ là "viên đạn bọc đường" mà còn có "luồng đạn bọc đường"

Đã từ lâu, rất lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có những cảnh tỉnh hết sức sâu sắc về nguy cơ sa ngã với đội ngũ cán bộ. Bác không chỉ lo gây dựng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ mà còn lo cán bộ có thể rất bản lĩnh, rất xông xáo trong môi trường này song lại có thể sa ngã ở môi trường khác bởi những “viên đạn”, thậm chí là “luồng đạn bọc đường”.

Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch đã nêu rõ “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Trong bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô”, ngày 5/9/1954, thêm một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phải giữ vững bản lĩnh trước mọi tình huống.

Người chỉ rõ: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng, muốn giữ vững nhân cách thì cán bộ và chiến sĩ phải luôn “làm gương mẫu trong mọi việc”, phải luôn thực hành bốn chữ “Cần - Kiệm - Liêm - Chính”.

Cán bộ đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định là cái “gốc” của cách mạng. Thực tiễn của tiến trình kháng chiến, kiến quốc và đổi mới hội nhập cũng còn cho thấy cán bộ đảng viên chính là đại diện cho niềm tin của Nhân dân với Đảng, với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Niềm tin đó vững chắc hay không chính là liên quan đến việc thực hành “Cần - Kiệm - Liêm - Chính”.

Bác từng nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Đối với người cán bộ, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì chẳng những không thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình mà còn làm hại đến Nhân dân, làm tổn hại đến niềm tin của Nhân dân với Đảng, với đất nước.

Bác luôn có tình thương bao la với cán bộ, đảng viên. Ngay cả với những cán bộ đảng viên mắc khuyết điểm, Bác vẫn kiên trì việc chỉ ra những điểm tốt, điểm mạnh dẫu nhỏ để làm cơ sở xoay chuyển sửa chữa khuyết điểm. Bác mong người cán bộ đảng viên đó tiến bộ để có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho dân, cho nước. Nhưng khi phải nghiêm khắc để trừng trị cái ác, cái xấu, Người không phải giờ tỏ ra dao động, hết sức quyết liệt.

Vụ án Trần Dụ Châu tháng 9/1950 là một câu chuyện điển hình.

Nhìn rộng ra, một nước gần Việt Nam là Singapore thường được biết đến như một đất nước hết sức nghiêm khắc với tham nhũng, tiêu cực bằng việc dùng công cụ thể chế để cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là các bộ cấp cao, đảng viên cấp cao của chính đảng cầm quyền “không cần, không muốn, không thể tham nhũng”. Nhưng cách đây vài tuần, lần đầu tiên kể từ năm 1986, một cán bộ cấp cao của nước này là Bộ trưởng Giao thông vận tải S. Iswaran đã bị bắt để điều tra tham nhũng. Cùng đó hai bộ trưởng khác cũng bị điều tra song được cho tại ngoại.

Hoạt động điều tra cấp cao đối với các bộ trưởng thường rất hiếm xảy ra ở Singapore. Đảng Hành động nhân dân đã nắm quyền điều hành Singapore từ năm 1959 và tự hào lãnh đạo một trong những đất nước ít tham nhũng, trong sạch nhất thế giới. Rõ ràng là các nhà lãnh đạo nước này đã phải chịu áp lực rất lớn để điều tra đến tận cùng sự việc.

Câu chuyện này của một nước như Singapore là ví dụ cho thấy nguy cơ cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh trước sự tấn công của tham nhũng, tiêu cực là không thể xem thường.

Những thông điệp kiên quyết trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và chỉ rõ tại nhiều diễn đàn ở Trung ương và địa phương.

Lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ

Theo Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Điều thường được Tổng Bí thư nhắc đi nhắc lại là cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong những ngày tới đây, những bị cáo của vụ án chuyến bay giải cứu sẽ phải đối diện với những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Có thể khoảng thời gian nghị án là những khoảng thời gian dài vô cùng, vô tận với không ít người trong số họ. Có người bảo tính nhân văn của pháp luật không chỉ nằm ở bản án được tuyên mà chính là để cảnh tỉnh, bảo vệ mọi công dân trong đó có các cán bộ, đảng viên không sa vào, không tiếp tay cho những hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng như rèn luyện đủ bản lĩnh để vững vàng trước những “viên đạn, luồng đạn bọc đường”.

Quang Lộc
Bài viết cùng chủ đề: Xây dựng Đảng - Phát triển kinh tế

Tin cùng chuyên mục

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Cần xử phạt nghiêm minh trường hợp trục lợi từ tăng giá điện

Công trường đường dây 500kV mạch 3: Nơi rèn luyện tư tưởng, đạo đức cho cán bộ trẻ

Vụ tai nạn hầm lò ở Quảng Ninh: Lại luận điệu xuyên tạc vô căn cứ của Việt Tân

Quy định số 144-QĐ/TW: Gương soi cán bộ, đảng viên thời kỳ mới

Cần loại bỏ cách làm báo kiểu salon, ngồi bàn giấy, đưa thông tin một chiều

Từ vụ Huy Đức bị bắt đến việc xuyên tạc tự do báo chí tại Việt Nam

Vẫn là chiêu trò lợi dụng hiện tượng Thích Minh Tuệ để xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Vạch mặt chân tướng Việt Tân quanh việc tự nguyện dừng hạnh đạo của ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ)

Tin giả - sự nguy hại và phương cách ngăn chặn

Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc “Ngoại giao cây tre”

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Kinh nghiệm từ công tác bồi dưỡng đảng viên trẻ ngành than

Phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Truyền thông - công cụ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng Quản lý thị trường

Nhận diện, phân biệt “quan điểm sai trái, thù địch” và “ý kiến khác với quan điểm của Đảng”