Doanh nghiệp lo cạn kiệt nguồn vốn
Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Artex Thăng Long chuyên xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ với doanh thu năm 2019 đạt gần 100 tỷ đồng, nhưng ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của DN sụt giảm mạnh trong quý I/2020.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết, trước đây trung bình doanh thu xuất khẩu của DN khoảng 1,5 triệu USD/quý, nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh, DN chỉ xuất khẩu được khoảng 800.000 USD, tức là chỉ còn một nửa. “Thị trường ngày càng khó khăn, do dịch bệnh lây lan sang các thị trường chính của Công ty ở Châu Âu, nên dự kiến trong quý II doanh thu còn tiếp tục giảm nặng nề. Với đà này, DN rất khó đứng vững”, ông Bình - Giám đốc Artex Thăng Long lo âu.
Cũng tương tự như vậy, ông Bùi Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công TNHH Thương mại Vĩnh Long (chuyên về thép cuộn và thép xây dựng) cho hay: Hiện nay ngành xây dựng đang hoạt động cầm chừng, dẫn đến việc hàng hóa đầu ra của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Doanh thu 3 tháng đầu năm nay sụt giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi DN vẫn phải chi trả lương cho gần 200 cán bộ, công nhân viên. Dự kiến khó khăn còn kéo dài sang quý 2 và quý 3. Tình hình khó khăn kéo dài sẽ khiến DN phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn”, ông Vinh chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, trước tình hình không mấy sáng sủa của các DN, nguồn vốn được coi là “liều thuốc” quan trọng cứu cánh cho DN trước vô vàn khó khăn do dịch bệnh mang lại. Tuy nhiên, hiện nay, 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống ngân hàng, do vậy nếu Ngân hàng Nhà nước chậm trễ triển khai các gói cứu trợ, nhiều hậu quả lớn sẽ xảy ra, trong đó rất nhiều doanh nghiệp bị khai tử.
Ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản
Trước vô vàn khó khăn do dịch bệnh mang lại, Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành đã ngay lập tức có giải pháp ứng phó, chia lửa cùng DN. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm đưa ra các quy định mới, mạnh mẽ, giúp các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và DN vay vốn.
Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam cũng kịp thời ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.
Các ngân hàng giảm lợi nhuận để đồng hành, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế |
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Việc ban hành thông tư mới đã hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay mới với DN bị ảnh hưởng bởi dịch.
Số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên gần 113 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1%-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30-4 chuyển sang đến 30-9). “Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm khoảng 300 tỉ đồng vì chính sách này”, ông Thành thông tin .
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cũng lo lắng bởi ngân hàng đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. Điều này lý giải vì sao có một số DN phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... chưa tiếp cận được vốn. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”, Chủ tịch Vietcombank bày tỏ.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các DN sẽ phải đóng cửa, phá sản. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các DN chịu tác động trực tiếp của Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất.
“Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2%-2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm 0,5%-1,5%/năm”, ông Lê Đức Thọ nói.
Đồng hành cùng vượt qua khó khăn
Nhận được sự hỗ trợ từ BIDV Hà Thành, Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Artex Thăng Long đã được giãn nợ, giảm lãi xuất, ông Nguyễn Văn Bình bày tỏ vui mừng: “Như là phao cứu sinh, BIDV Hà Thành đã thực hiện giãn nợ cho chúng tôi. Đặc biệt, là DN xuất nhập khẩu nên chúng tôi được vay 2 nguồn tiền. Thứ nhất, là ngoại tệ từ lãi suất 5.3% giảm xuống còn 5%, Thứ hai, là về đồng Việt Nam, khi có gốc ngoại tệ xuất khẩu chúng tôi được vay với lãi suất là 5.5% trong thời hạn 3 tháng, còn 6 tháng thì cao hơn chút. Tuy nhiên, đó cũng đã quý lắm rồi, thực sự là 1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”.
Từng hoài nghi về chương trình hỗ trợ tín dụng của ngân hàng sẽ khó tiếp cận, nhưng giờ ông chủ DN mang tên Vua nệm đã cảm thấy ấm lòng khi công ty được giãn nợ và miễn giảm lãi suất. Được ứng cứu kịp thời, nên điều mong mỏi nhất của ông là DN được hồi sinh đã thành hiện thực.
"Tôi đánh giá các ngân hàng họ cũng rất nhanh chóng và chủ động để cùng với DN gỡ khó và giúp cho các DN như chúng tôi vượt qua được thời kì này để phục hồi vào thời gian tới", ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vua Nệm cho hay.
Những chính sách tín dụng được các ngân hàng triển khai đã giúp các DN giải quyết được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh |
Nhận định về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DN, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đánh giá, về phía ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến DN không có khả năng trả nợ đúng hạn. Từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Đây chính là áp lực rất lớn cho các NHTM nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo giải quyết được nhiều mục tiêu cùng một lúc, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro nêu trên.
Trong khi đó, có một số DN đang than khó khi không thể tiếp cận nguồn vốn từ gói này. Để vay được vốn, DN phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch Covid-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải DN nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với năng lực còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ở bất cứ tình huống nào, sự hỗ trợ của ngành ngân hàng cũng rất quý, trong bối cảnh này nó lại càng có ý nghĩa, bởi các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn.
Việc giãn nợ, có nghĩa là DN đến thời kỳ trả nợ mà chưa trả được nhưng ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ thành nợ xấu mà giãn nợ, giúp DN tập trung sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, giảm lãi suất giúp cho DN giảm được chi phí trong sản xuất, vượt qua khó khăn. “Về phía điều hành, chúng tôi cũng đánh giá cao thời gian qua NHNN Việt Nam đã giữ ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc hỗ trợ DNNVV cũng là một phần trong việc hỗ trợ nền kinh tế để cùng nhau vượt qua khó khăn”, ông Thân nói.