Vốn ngoại tiếp tục chảy vào tín dụng tiêu dùng
Miếng bánh hấp dẫn
Mới đây, Grab muốn mua lại Home Credit khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Theo Hãng truyền thông Bloomberg, Grab đã tiến vào vòng đàm phán tiếp theo để mua lại tài sản ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Home Credit. Hiện tại, mảng kinh doanh ở Indonesia, Việt Nam và Philippines được định giá ở mức 2 tỷ - 2,5 tỷ USD.
Không chỉ Grab, theo một bài báo mới đăng trên Bloomberg, nhóm ngân hàng đến từ Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group cũng muốn mua lại tài sản ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit.
Không chỉ có Home Credit, mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, Ngân hàng dự kiến ghi nhận 2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn khỏi Công ty tài chính FCCOM trong năm 2022. Theo ông Linh, Ngân hàng sẽ bán 100% cổ phần tại FCCOM để tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, đồng thời tiếp tục tăng trưởng tín dụng, song hành cùng kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu.
Tổng Giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose cho rằng, tài chính tiêu dùng là phân khúc đại chúng, chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt vào sự chuyển đổi số. Họ muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt.
Nhìn vào các công ty tài chính nổi bật trên thị trường hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hầu hết thuộc sở hữu hoặc có sự tham gia của cổ đông nước ngoài. Số người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức hiện chiếm tỷ lệ cao và đây là mảnh đất cho các loại tín dụng không chính thức.
Thị phần còn lớn và người dân sẽ rộng đường tiếp cận tài chính tiêu dùng hơn khi các công ty tín dụng tiêu dùng được nâng cấp cả về năng lực tài chính và quản trị điều hành khi có sự xuất hiện của các ông lớn nước ngoài thông qua các vụ M&A.
Thu lãi lớn
Theo Tổng giám đốc MSB, giá trị thương vụ trên ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và Ngân hàng có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Không chỉ MSB, cuối năm 2021, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay VPBank. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này. SMBC là một trong 3 tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, hoạt động trên 40 quốc gia toàn cầu.
Dưới con mắt của các chuyên gia tài chính, điều đáng giá nhất ở thương vụ trên không phải là lượng vốn lớn thu về, mà là thu hút sự tham gia thị trường của SMBCCF - ông lớn tài chính tiêu dùng dẫn đầu Nhật Bản và châu Á.
Ông Jun Ohta, Tổng Giám đốc Tập đoàn SMBC cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm. Thương vụ này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank kỳ vọng, kinh nghiệm của SMBCCF tại Nhật Bản và các nước đang phát triển trong khu vực châu Á sẽ là những đóng góp quý báu cho trong việc hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững, chinh phục những tầm cao mới trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Một thương vụ M&A khác là SHB bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Krungsri của Thái Lan. Krungsri là thành viên thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản nắm giữ 76,88% vốn. Trước đó, Công ty TNHH HD Saison bán 49% vốn điều lệ thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB). Công ty tài chính Lotte Finance mua lại 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH một thành viên Kỹ thương (Techcom Finance)...
Tài chính tiêu dùng được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam, có dư địa còn rất lớn với gần 100 triệu dân. Tỷ lệ dân số trẻ lớn và đang tiến vào nhóm nước thu nhập trung bình cao, nên nhu cầu mua sắm và tiêu dùng không ngừng tăng lên. Đó là lý do để lĩnh vực này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.