Vĩnh Phúc hấp dẫn các doanh nghiệp phụ trợ ngành điện tử
Điểm đến của doanh nghiệp linh kiện điện tử
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúccó khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, điển hình như Công ty TNHH Partron Vina, có vốn đầu tư 270 triệu USD; Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm camera,… vốn đầu tư 165 triệu USD; Công ty TNHH Power Logics Vina sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 100 triệu USD; Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam chuyên sản xuất ắc quy chất lượng cao, ắc quy đặc chủng; Cty TNHH BH Flex Vina sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư 61 triệu USD;…
Sản phẩm linh liện điện tử 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: KL) |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sản phẩm linh liện điện tử 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất linh kiện điện tử đóng vai trò là động lực tăng trưởng ngành công nghiệp và nền kinh tế của địa phương.
Đáng chú ý, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế, chính trị thế giới, khiến chuỗi cung ứng có thời điểm bị gián đoạn, đơn hàng suy giảm. Nhưng các doanh nghiệp trong ngành điện tử tại Vĩnh Phúc vẫn chủ động cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, laptop, đồng hồ thông minh gia tăng… nên các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh Vĩnh Phúc như Compal, BG Flex, DKT Vina, Interflex Vina, Arcadyan… vẫn có được đơn hàng ổn định từ các đối tác là những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Apple, Dell, Sangsung, Google. Doanh thu từ sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục tăng so với tháng trước và tăng khá so với cùng kỳ năm 2024.
Có thể nói, nhờ chính sách thu hút FDI cởi mở và phương châm coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương, những năm qua môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử.
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được toàn tỉnh đã thu hút được gần 436 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% so với kế hoạch đề ra cả năm; trong đó, có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm điện tử.
6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc thu hút hơn 210 triệu USD vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm điện tử (Ảnh: Khánh Linh) |
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, hấp dẫn FDI
Để thu hút được những doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử nói riêng, những năm qua bên cạnh việc quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 và giao các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai...
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định đầu tư hạ tầng giao thông là “chìa khóa” mở cánh cửa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm mang tính chất đón đầu cho sự phát triển được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Với việc hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng tương đối hiện đại, đồng bộ, có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với khu vực đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó 16 khu công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch gần 3.157ha; 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Một số khu công nghiệp đã lấp đầy 100% như Kim Hoa, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Bá Thiện phân khu II. Một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao như khu công nghiệp Khai Quang đạt 98%, khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 97%, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%…
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, địa phương sẽ đầu tư thêm 5 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 24 khu với tổng quỹ đất là 7.000 ha, đến năm 2050 là 10.000 ha. Các dự án khu công nghiệp mới sẽ được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên mời gọi thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn để làm hạt nhân, động lực kéo theo các dự án vệ tinh, hình thành các cụm liên kết về sản xuất - chế tạo - cung ứng - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh. Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.