Hạ tầng giao thông nông thôn Vĩnh Phúc đang được đầu tư mạnh mẽ |
Đột phá từ khâu quy hoạch và lập đề án
Quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM là nội dung rất quan trọng được Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm khâu đột phá, thực hiện trước một bước, làm tiền đề cho lập đề án xây dựng NTM và các dự án đầu tư phát triển nông thôn. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập đồ án quy hoạch NTM tại 2 xã, trong đó có 1 xã vùng đồng bằng và 1 xã vùng trung du, miền núi, từ đó rút kinh nghiệm và triển khai quy hoạch NTM đồng loạt với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, 100% số xã đã hoàn thành công tác quy hoạch vào tháng 12/2011 và đề án xây dựng NTM vào tháng 4/2012. Vĩnh Phúc cũng trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM.
Xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là vấn đề cốt lõi, 5 năm qua, các địa phương trên đã chuyển dịch mạnh theo hướng giảm trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng gần 790 vùng sản xuất hàng hóa, cho thu nhập từ 64 - 200 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại... góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 2,5%.
Từ nguồn vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, toàn tỉnh đã cứng hóa được 92% đường trục xã, 83% đường trục thôn và 55% đường trục chính nội đồng; các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất văn hóa, trường học, hệ thống bưu điện, chợ nông thôn và nhà ở dân cư nông thôn đều đạt cao với 100% xã đạt tiêu chí điện và bưu điện; 100% xã đạt tiêu chí giáo dục; 85,7% xã đạt tiêu chí chợ NTM; 99,1% xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư nông thôn.
Quyết tâm về đích vào năm 2017
Ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng, để trở thành tỉnh NTM vào năm 2017 với 94/112 xã đạt chuẩn NTM, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần gắn sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân….
Trước mắt, ông Nguyễn Văn Trì yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong, ngoài tỉnh và nhân rộng điển hình tiên tiến phong trào xây dựng NTM. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế; cân đối đủ nguồn lực để từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành các tiêu chí NTM.
Dự kiến, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2018 của tỉnh Vĩnh Phúc là 6.872,146 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trực tiếp và lồng ghép là 175,92 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.451,11 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 1.202,92 tỷ đồng, dân góp 426,647 tỷ đồng, nguồn khác 615,549 tỷ đồng. |