Thứ ba 05/11/2024 23:19

Việt Nam - Trung Quốc: Sôi động kết nối xuất nhập khẩu nông, thủy sản

Ngày 31/5, tại Lào Cai đã diễn ra Hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2019. Đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thu hút hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự.

Đối tác thương mại hàng đầu

Hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2019 do Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Cục Thương vụ châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc phối hợp tổ chức.

Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2008, đến nay đã trở thành động lực cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ hợp tác về lĩnh vực kinh tế thương mại. Từ năm 2004 trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm gần đây đạt trên 20%/năm, đặc biệt năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều lần đầu tiên đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng luôn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất với các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy sản của Việt Nam, trong đó một phần rất lớn được giao thương qua các cặp cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Riêng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng kim ngạch.

Cụ thể, năm 2018, giá trị xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu (Trung Quốc) đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2017 và chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, trong đó xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản đạt trên 600 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất nhập khẩu nông sản, trái cây, thủy sản đạt trên 300 triệu USD.

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của các địa phương được giới thiệu tại hội nghị

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng trưởng. Các địa phương và doanh nghiệp hai nước ngày càng chủ động và tích cực triển khai các sự kiện xúc tiến thương mại với quy mô và tần suất ngày càng tăng.

Đánh giá về hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin về thị trường Trung Quốc và cơ chế chính sách xuất nhập khẩu hàng nông sản, trái cây và thủy sản qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu, trao đổi với các nhà cung ứng nông thủy sản Việt Nam, từ đó doanh nghiệp hai nước có giải pháp phù hợp, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển thị trường và quan hệ bạn hàng.

“Tôi mong muốn hội nghị này sẽ trở thành hoạt động thường niên có tầm cỡ ở vùng biên giới và tiếp giáp của hai nước, dần dần thu hút được sự tham gia của các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh. Đồng thời, có cơ chế đối thoại định kỳ hàng quý ở cấp kỹ thuật để rà soát kết quả phối hợp giữa hai phía, nhằm kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thỏa thuận” - ông Hoàng Minh Chiến nói.

Hội nghị đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm

Về phía Trung Quốc, ông Tưởng Hồng Thăng, Thường vụ huyện ủy, Phó huyện trưởng Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu cho hay, năm 2018, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa cửa khẩu Hà Khẩu là 2,25 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 1,13 tỷ USD, xuất khẩu 1,12 tỷ USD, số lượng vận tải hàng hóa là 5,6 triệu tấn, phương tiện giao thông xuất nhập cảnh là 330.000 lượt/xe. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là phân bón, than cốc, nông sản phẩm, thiết bị máy móc, đồ gia dụng hàng ngày; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là khoáng sản, đồ gỗ, sắn tươi, trái cây, hải sản. Hà Khẩu là cửa khẩu lớn nhất của tỉnh Vân Nam có quan hệ thương mại với Việt Nam. Đặc biệt, đây là cửa khẩu lớn nhất Trung Quốc nhập khẩu quả thanh long Việt Nam, với sản lượng 79.000 tấn/năm.

“Nhiều năm, hai bên không ngừng làm sâu rộng giao lưu hợp tác về kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, cục diện láng giềng hữu nghị ngày càng được củng cố, thúc đẩy mậu dịch hai bên liên tục tăng trưởng. Đồng thời, mỗi năm tổ chức thành công hội chợ thương mại biên giới, hội nghị kết nối xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản, đã thúc đẩy vững chắc xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cung cấp cơ hội tốt đẹp cho hợp tác thương mại hai bên” - ông Tưởng Hồng Thăng nhấn mạnh.

Hội nghị là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt thông tin về thị trường Trung Quốc

Ông Hùng Tư Minh, Phó Thư ký, trưởng Chính quyền nhân dân châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng bày tỏ, tỉnh Lào Cai đang trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi, lĩnh vực, phạm vi hợp tác giữa hai bên không ngừng đi sâu và mở rộng, kim ngạch thương mại giữa cửa khẩu Hà Khẩu và Lào Cai tăng hàng năm, cửa khẩu được xây dựng ngày một đổi mới. Hội nghị kết nối xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2019 đã kiến tạo sân chơi có sức hút vì sự hợp tác kinh tế thương mại và giao lưu giữa hai bên, xây dựng được cầu nối quan trọng.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất

Là đơn vị lần đầu tiên tham gia hội nghị, ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, tại hội nghị hôm nay, chúng tôi giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương như lạc vừng, đỗ tương, thảo dược… Hợp tác xã mới thành lập được 3 năm và chủ yếu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, do đó thông qua hội nghị, chúng tôi mong muốn có được sự hợp tác, liên kết với các công ty của Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam chia sẻ, đây là một hoạt động xúc tiến thương mại rất hiệu quả, giúp chúng tôi kết nối thêm với nhiều địa phương và doanh nghiệp trong việc mua, bán sản phẩm. Đặc biệt, tại hội nghị lần này, chúng tôi đã giới thiệu những sản phẩm nghêu xuất khẩu cũng như bán trong nước thông qua kết nối, hỗ trợ của tỉnh Lào Cai với một số doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Qua đó, chúng tôi cùng với các đối tác tiềm năng trao đổi, bàn bạc, xúc tiến các phương thức hợp tác làm ăn lâu dài.

"Phía Trung Quốc vừa qua cho miễn thuế nhập khẩu đối với 33 sản phẩm thủy sản, trong đó có con nghêu ướp lạnh và nghêu sống, đây là một cơ hội rất tốt để đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc, bởi chúng tôi có những sản phẩm có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ" - ông Nguyễn Hồ Nguyên chia sẻ.

Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam giới thiệu sản phẩm nghêu xuất khẩu

Khẳng định trách nhiệm của tỉnh đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy sản trong thời gian tới, ông Lê Ngọc Hưng cho biết, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai cam kết sẽ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi có phản ánh; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng Lào Cai từng bước trở thành “diểm đến hấp dẫn” thu hút doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.

Theo ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, ngoài tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, Sở sẽ đàm phán với chính quyền Trung Quốc cung cấp các thông tin liên quan đến việc quản lý trong quá trình xuất nhập khẩu, những thay đổi chính sách từ phía bạn, nhất là từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; đồng thời, cung cấp các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Đặc biệt, 8 loại trái cây được Việt Nam và Trung Quốc thống nhất lựa chọn sẽ được đi luồng ưu tiên riêng, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai

Tin cùng chuyên mục

Hai nền tảng số quản trị doanh nghiệp được vinh danh sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024

Danh sách doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024

"Ông lớn" hệ thống phân phối thúc đẩy sản phẩm OCOP xuất ngoại

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài

Nỗi niềm trăn trở của 'tư lệnh' ngành nông nghiệp về đầu ra của sản phẩm OCOP

Chùm ảnh: Sôi động sản phẩm OCOP vùng miền tại triển lãm VIETNAM OCOPEX

Các thương vụ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đối với việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng

Hơn 8.400 khách tham quan chuyên ngành quy tụ tại triển lãm Fi VietNam 2024

Khách hàng quốc tế quan tâm đến nông sản Việt tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc

Doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, phải bán “câu chuyện tạo ra sản phẩm”

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu: Từng bước đưa sản phẩm Việt tiếp cận thị trường quốc tế

Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Động lực lớn thúc đẩy kinh tế

Bộ Công Thương sắp tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam – EU 2024 tại TP. Hồ Chí Minh

Hơn 13.600 lượt khách tham quan triển lãm Vietstock 2024 & Aquaculture Vietnam 2024

Sắp diễn ra giao ban Thương vụ với trọng tâm về đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024

Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải có yếu tố tiên phong

20 doanh nghiệp Hà Nội tham dự Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Lễ công bố sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần 9 được tổ chức ngày 4/11