Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện từ năm 2018. Sau 6 năm triển khai, diện mạo nông nghiệp của Việt Nam được định hình rõ hơn bằng hàng ngàn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Thị trường nội địa Việt Nam cũng đã quen dần với các đặc sản vùng miền trong nước thông qua thương hiệu OCOP. Mặc dù vậy, bên cạnh sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, thì vẫn còn không ít băn khoăn về chất lượng, giá trị kinh tế mang lại và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm OCOP.
VIETNAM OCOPEX - tạo nên một không gian quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Bày tỏ ấn tượng đặc biệt tại sự kiện Triển lãm VIETNAM OCOPEX, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, “VIETNAM OCOPEX đã đọng lại trong tôi rất nhiều suy tư. EX, là trong “Export - Xuất khẩu” và EX, cũng có thể là “Express – Tốc hành”.
“VIETNAM OCOPEX đã góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lên “chuyến tàu tốc hành” đến với bạn bè gần xa. Và có thể nhận thấy, VIETNAM OCOPEX đã tạo nên một không gian quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam từ giá trị văn hoá qua các sản phẩm OCOP” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về những giá trị riêng biệt của sản phẩm OCOP và nhấn mạnh, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường quốc tế |
Nhấn mạnh và đưa ra dẫn chứng, vai trò của các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng trong việc định vị thương hiệu của một quốc gia trên bản đồ thế giới, “tư lệnh” ngành Nông nghiệp chỉ ra: Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản, khi ấy đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực nghiệm trọng. Thanh niên luôn muốn di cư lên các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội. Tại một vùng quê nghèo Oyama có rất ít đất nông nghiệp có thể canh tác do địa hình chủ yếu là đồi núi. Chính phủ khuyến khích nông dân trồng lúa để cứu đói, nhưng người dân ở đây lại lựa chọn cây mận, một loại cây phù hợp hơn. Để rồi với những thành công ngoài mong đợi vào những năm tiếp theo. Đó là một hành trình dài để hôm nay, nước bạn tự hào về một chương trình được đưa vào sách giáo khoa và lan toả ra nhiều nơi trên thế giới, đó là “Nhất thôn Nhất phẩm - Mỗi làng một sản phẩm”.
Phong trào mỗi làng một sản phẩm như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tài nguyên và nguồn lực địa phương. Phong trào đã lan tỏa trên khắp đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Từ một tỉnh nghèo, không lâu sau đó Oita đã được thế giới biết đến với những nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, lúa mạch…
“Nhờ đó, chúng ta có niềm tin rằng, thế giới sẽ biết thêm về Việt Nam nhờ OCOP không?” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
VIETNAM OCOPEX - tạo nên một không gian quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga |
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam tự hào là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, với đa dạng sản phẩm đặc sắc trải khắp chiều dài đất nước. Sinh thái riêng biệt từng vùng miền, 54 dân tộc anh em gắn kết, đậm đà bản sắc văn hoá. Đó chính là điều kiện tuyệt vời để tạo ra OCOP, một sản phẩm đòi hỏi sự khác biệt.
“Từ gành đá bờ biển, bờ suối, trầm tích núi lửa, hoạ tiết thổ cẩm, bánh trái dân gian vùng miền, ẩm thực phong phú, câu chuyện nhân văn bao đời của mỗi dân tộc.... đến hình tượng người Việt Nam được biết đến với tinh thần cần cù, thông minh, sáng tạo, lại càng thuận lợi khi tiếp cận mô hình “Một làng một sản phẩm”. Tất cả sẽ là câu chuyện đầy cảm xúc, làm tăng thêm giá trị cho những sản phẩm OCOP. Sản phẩm của các chủ thể phải gói trọn tình yêu quê hương xứ sở, yêu thương con người” - Bộ trưởng bộc bạch.
Các chủ thể OCOP cùng dốc hết sức đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ghi nhận sự nỗ lực của các chủ thể OCOP tại sự kiện với sự dấn thân vào con đường khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho mình cho làng quê và đất nước, góp đưa hình ảnh Việt Nam gói trọn trong từng sản phẩm vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng trăn trở: “So với tài nguyên phong phú của đất nước, tinh thần năng động của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, những gì chúng ta đạt được còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Và đâu đó chúng ta mới hỗ trợ phần nào khâu tạo ra sản phẩm mà chưa đo lường được những tín hiệu đón nhận của thị trường”.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn nhận lại cách làm để có thể làm tốt hơn nữa, mang lại sự bền vững hơn cho doanh nghiệp. Khi mở rộng được thị trường sẽ kích hoạt các chủ thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn, tốt hơn, vượt trội hơn.
Đánh giá cao, thời gian qua, một số trung tâm thương mại, siêu thị, sân bay, bến cảng, trung tâm thông tin du lịch… đã và đang dành không gian dành riêng cho sản phẩm OCOP. Bộ trưởng cũng mong rằng, sẽ còn nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, địa điểm công cộng có không gian dành riêng cho OCOP... Đây sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo Bộ Công Thương tham quan các gian hàng tại triển lãm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: Đỗ Nga |
“Sự kiện hôm nay không chỉ hướng đến xuất khẩu sản phẩm mà còn giúp kích hoạt cả thị trường trong nước. Khi và chỉ khi người Việt Nam tin yêu và tin dùng sẽ có nhiều hơn những sản phẩm vượt trội để xuất khẩu. Theo đó, tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trung tâm phân phối lớn hãy có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm OCOP. Dù là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam đều có thể tham gia dẫn dắt thị trường cho sản phẩm OCOP” - “tư lệnh” ngành Nông nghiệp khai mở.
Thế giới ngày nay thay đổi không ngừng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo luôn song hành, sản xuất và thị trường quan hệ hữu cơ với nhau. Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những hoạt động chung với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam... tổ chức những diễn đàn trực tiếp và trực tuyến tư vấn, huấn luyện chủ thể OCOP thích ứng với xu thế tiêu dùng xanh, những đặc định từng loại thị trường, quản trị doanh nghiệp, kiến thức văn hoá, xã hội.
"Không gian giá trị cho sản phẩm OCOP còn rất lớn cả về số lượng lẫn chất lượng nếu chúng ta cùng nhau tư duy lại. Với tất cả trách nhiệm đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các chủ thể OCOP cũng dốc hết sức cho những mục tiêu cao hơn, xa hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương sát sao hơn, đưa sản phẩm OCOP đến các nhà khách, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, khu điểm du lịch. Mỗi địa phương cần có không gian tư vấn, huấn luyện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giúp sản phẩm OCOP ngày càng tinh luyện, thực sự trở thành niềm tự hào của địa phương và quốc gia.