Việc thông qua Kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu: Thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững. Xác định các lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, nội dung cụ thể và lộ trình triển khai Thỏa thuận GCM; Huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM được thực hiện trong 10 năm từ 2020 - 2030 |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về Thỏa thuận GCM, các vấn đề di cư quốc tế thuộc phạm vi trong và ngoài nước, tăng cường năng lực trong triển khai Thỏa thuận GCM; Thu thập thông tin, dữ liệu về di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện; nghiên cứu, dự báo về tình hình, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan đến các vấn đề di cư; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM.
Cùng với đó là nhóm các nhiệm vụ cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế, như: Thông tin rõ ràng, minh bạch về di cư (hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo, cảnh báo liên quan đến di cư quốc tế; thị trường lao động nước ngoài; chính sách cấp thị thực; quyền của người di cư...); Theo dõi, rà soát, cập nhật thông tin, dữ liệu về di cư quốc tế (lao động; học tập; kết hôn có yếu tố nước ngoài; nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; di cư trái phép; mua bán người; lao động cưỡng bức; người không quốc tịch; người di cư trở về...); Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký và hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài bao gồm các thông tin cơ bản về công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài với các mục đích khác nhau; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di cư quốc tế để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Thỏa thuận GCM.
Để triển khai Thỏa thuận GCM, Thủ tướng Chính phủ phân công, giao trách nhiệm cụ thể tới các bộ, cơ quan, địa phương, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, giao Bộ Ngoại giao chủ trì hướng dẫn, giám sát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; thực hiện thành lập nhóm công tác liên ngành về triển khai Thỏa thuận GCM theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, qua đó xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý người nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến Thỏa thuận GCM. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động di cư, tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng dịch chuyển của các nhóm ngành nghề mới.
Theo Quyết định 402/QĐ-TTg, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM được thực hiện trong 10 năm từ 2020 - 2030 và sẽ có rà soát, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động tối đa từ các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.