Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đây là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN để đẩy mạnh xuất khẩu hướng tới mục tiêu 9 tỷ USD năm 2018 và phát triển bền vững vào những năm tiếp theo.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Xuân Cường - đã đưa ra bức tranh tổng quát cả thuận lợi và khó khăn của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Đại diện các DN và hiệp hội ngành hàng cũng trình bày các tham luận chỉ rõ hạn chế cũng như tiềm năng và giải pháp để phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong thời gian tới.
Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị |
Thực trạng và tiềm năng
Hiện ngành lâm nghiệp trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt trên 8 tỷ USD năm 2017 và đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành 13%/năm trong giai đoạn 2010- 2017. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 DN trong đó khu vực tư nhân chiếm tới 95% đã tạo ra 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng khai thác trong nước hiện đã đáp ứng được 75% nhu cầu (khoảng 25 triệu m3).
Về tiềm năng thị trường: Năm 2017, giá trị thương mại đồ nội thất toàn cầu khoảng 428 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. Tổng giá trị thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu năm 2017 khoảng 141 tỷ USD. Đây là cơ hội tốt cho các quốc gia có thế mạnh về chế biến gỗ như Việt Nam phát triển.
Hiện Việt Nam cũng đang thực hiện lộ trình các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng trong nội khối các nước tham gia FTA sẽ giảm, tạo lợi ích cạnh tranh cho DN xuất khẩu gỗ. Cụ thể như Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi có hiệu lực.
Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do tiết kiệm được chi phí, thời gian vì không phải thực hiện việc giải trình theo quy chế 995 của EU nếu được cấp phép FLEGT. Bên cạnh đó, Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ tạo niềm tin cho các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc….
Tuy nhiên hạn chế hiện nay là nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp; sự hợp tác và liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến với người trồng rừng còn yếu; đầu tư cho ngành chưa tương xứng với tiềm năng; chưa tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm gỗ Việt Nam; nguồn lao động dồi dào nhưng chưa có tay nghề cao; yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững… Đây là những thách thức mà ngành đang phải đối mặt.
Giải pháp phát triển bền vững
Tại hội nghị, nhiều giải pháp cho phát triển ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu đã được các Bộ, ngành, hiệp hội, DN đưa ra đóng góp cho Chính phủ, tập trung ở một số giải pháp chính cụ thể như: Để phát triển bền vững, cần đảm bảo nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chất lượng cho ngành gỗ và lâm sản Việt Nam; Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, cụ thể là đổi mới công nghệ và quản trị DN, nâng cao chất lượng và số lượng hàng giá trị gia tăng…; bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các DN trong ngành sản xuất và kinh doanh hiệu quả; phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua xúc tiến thương mại… Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ; cần có chiến lược và mục tiêu phát triển tổng thể cho ngành đến năm 2025…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghi, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh - cũng đưa ra ý kiến để phát triển ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, trước hết ngành gỗ phải kiên trì nói không với gỗ khai thác bất hợp pháp vì thị trường chính là các nước phát triển và người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Tiếp đến là cần nghiên cứu ngay các qui định về qui tắc xuất xứ với các nước đang ký FTA với Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành gỗ cần đào tạo nguồn nhân lực cho chế biến gỗ theo hướng công nghệ 4.0 và thành lập trung tâm triển lãm và xúc tiến thương mại cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Thứ trưởng cũng đề nghị Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu dành quỹ đất cho trung tâm này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành NN&PTNT, với giá trị xuất siêu đạt 73%, nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
Để phát triển bền vững ngành gỗ, Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNN trong 10 năm tới phải đưa ngành gỗ - lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu gỗ có uy tín của thế giới. Thủ tướng cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho ngành gỗ gồm: Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, 2019 là 10 tỷ USD, 2020 đạt 13 tỷ USD và năm 2025 là 20 tỷ USD.
“Ngành chế biến gỗ trong thời gian tới cần định hướng phát triển bền vững dựa trên sự hội nhập sâu rộng vào thị trường gỗ quốc tế, nguồn nguyên liệu trong nước, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quản lý phù hợp và tay nghề cao cùng với hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Axelle Nicaise - đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam: Thị trường gỗ quốc tế liên tục phát triển và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chứng chỉ môi trường của các sản phẩm được mua. Gỗ khi được sản xuất hợp pháp và bền vững thì ngày càng được người tiêu dùng tại EU đánh giá cao. Chính vì thế, giải quyết vấn đề khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp là chìa khóa đảm bảo rằng ngành chế biến gỗ có thể tiếp tục phát triển bền vững. |
Lần đầu tiên Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp ngành gỗ |