Thứ sáu 29/11/2024 07:59

Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành "thiên đường golf của châu Á"

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, địa hình đa dạng, Việt Nam là đất nước có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú, trong đó có du lịch golf. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "thiên đường golf của châu Á".

Du lịch golf là một dạng của du lịch thể thao mà trong đó khách đi du lịch với mục đích chính là chơi golf hoặc kết hợp xem chơi golf, tham quan các sân golf trong chuyến đi.

Hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động và đến 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp, đều do những golfer nổi tiếng thế giới thiết kế, có sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục nhiều sân golf độc đáo, nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt.

Ông Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam nhận định, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển golf với vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng. Việt Nam cũng gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới và sở hữu nguồn tài nguyên, du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Các sân golf của Việt Nam được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt, khí hậu Việt Nam cho phép khách du lịch golf hoạt động quanh năm.

Golf của Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển khi khu vực châu Á đang dẫn đầu thị trường golf toàn cầu và có mối quan hệ kinh tế, văn hóa đặc biệt với hai thị trường golf hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển du lịch golf

Tuy vậy, dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít, tỉ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf, nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ; sản phẩm du lịch golf vẫn còn nghèo nàn, đơn giản. Các thành phần của ngành du lịch Việt Nam chưa kết nối với golf, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc thừa nhận, sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), caravan, chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản.

Trước tác động của Covid-19 đang làm thay đổi xu hướng và tư duy du lịch của thị trường, trong đó nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với các hoạt động thể thao, nghỉ dưỡng gia tăng, do đó đây chính là cơ hội để du lịch golf tại Việt Nam phát triển.

Số liệu từ Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho thấy, trong số hơn 15,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf hay kết hợp mục đích chơi golf chỉ chiếm khoảng 0,8%. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

"Nếu nhìn vào số liệu khách du lịch golf trên phạm vi toàn cầu và định hướng thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam trong thời gian tới, thực trạng và hướng phát triển golf, hoàn toàn có thể khẳng định du lịch golf Việt Nam còn có dư địa lớn để phát triển, thu hút nhiều khách đến từ các thị trường du lịch golf của Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á"- Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chi ra.

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể thu hút thị trường, phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf cũng như tạo đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới?

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cần phải có giải pháp đồng bộ, như hoàn thiện hệ thống các sân golf chất lượng, đẳng cấp, tạo sự khác biệt; phát triển bộ môn thể thao golf và du lịch golf thông qua các hoạt động như tổ chức các giải đấu golf cả chuyên nghiệp; định vị Việt Nam – điểm đến du lịch golf nổi bật của châu Á và của Thế giới; tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến golf chất lượng ở Việt Nam; Hợp tác với các nước có thế mạnh du lịch golf và các loại hình du lịch có quan hệ chặt chẽ với du lịch golf như Thái Lan, Malaysia để thu hút thị trường theo quan điểm các bên cùng có lợi.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng cho rằng, để phát triển golf hiệu quả cần có chiến lược lâu dài và mang tính tổng thể chung cho tất cả các doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp golf sẽ cần bàn bạc với nhau cụ thể, chi tiết, đồng thời cần có sự liên kết để tạo thành một hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là một thế mạnh của Việt Nam để phát triển”- ông Bình cho hay.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần thúc đẩy nghiên cứu thị trường golf của Việt Nam, như tùy vào năng lực, định hướng của từng doanh nghiệp để phát triển các loại hình khách khác nhau như nhóm khách ưu tiên và nhóm khách du lịch thông thường gắn với chơi golf…; tăng thêm những dịch vụ đi kèm theo golf…

Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam nhấn mạnh, để du lịch golf phát triển, các công ty lữ hành đóng vai trò rất quan trọng, bởi những đơn vị này chính là khâu kết nối với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối, trong đó, cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.

Trong tương lai, golf sẽ trở thành một loại hình giải trí toàn cầu với các thị trường mới đang phát triển ở châu Á, Mỹ La tinh, Trung Đông và Đông Âu. Đón đầu xu thế này, ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định, chủ trương của ngành du lịch Việt Nam là phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf theo hướng bền vững, đây được xem là một trong những định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam những năm tới.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch khuyến nghị, phát triển du lịch gofl phải hướng tới phát triển bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích cộng đồng là hàng đầu. Đồng thời, phát triển du lịch golf phải sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái, tạo cảnh quan, phong cảnh đẹp, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam chính thức công bố biểu trưng du lịch

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Lai Châu: Khai mạc Lễ hội PuTaLeng “Về miền Đỗ Quyên”

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

TP. Hồ Chí Minh: Đón hơn 39,3 triệu lượt khách du lịch, thu gần 174.000 tỷ đồng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới-Bài 2: Cộng đồng 'hạt nhân' bảo tồn di sản

Sôi động các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại Quảng Ninh

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 1: Lực đẩy kinh tế Ninh Bình

Tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long tiếp tục đưa 400 du khách đến với Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Du lịch âm nhạc 'hút' khách

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình