Chủ nhật 22/12/2024 08:35

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á, thu hút nhiều nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội.

Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư tác động Việt Nam 2024 do Quỹ Impact Investment Exchange, hợp tác cùng Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội vào sáng 24/10, TS Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng: Đầu tư tác động là một khái niệm đã bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam. Có thể hiểu đơn giản, đầu tư tác động là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường.

Diễn đàn Đầu tư tác động Việt Nam 2024 do Quỹ Impact Investment Exchange, hợp tác cùng Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) và VCCI tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/10

Đây là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững. Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống. Song song với lợi ích kinh tế, ngày càng có nhiều tổ chức kinh doanh mong muốn mang lại tác động tích cực cho xã hội và môi trường,... “Khi các tổ chức kinh doanh lựa chọn hoạt động theo hướng tạo ra tác động xã hội và môi trường ngày càng nhiều hơn và phát triển lớn mạnh, vai trò của khối tư nhân trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ đươc nâng cao” – TS Lương Minh Huân thông tin

Theo thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn, Việt Nam cũng có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm cho thấy, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội và con số này có xu hướng tăng liên tục. Trong đó, số doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 89%, và có đến 72% doanh nghiệp loại này có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp tác động xã hội đang tập trung nhiều trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm; giáo dục đào tạo kỹ năng, sinh kế phi nông nghiệp như: May, nấu ăn, sản xuất mây tre đan; tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, thủ công mỹ nghệ …

Với hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á, thu hút nhiều nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội.

Còn theo Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, TS Lương Minh Huân: Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), chiếm 97% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp gần 45% GDP quốc gia và cung cấp hơn 60% việc làm. Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu xã hội và môi trường.

Doanh nghiệp tạo tác động ngày càng khẳng định vai trò

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư tác động Việt Nam 2024, Ban tổ chức đã ra mắt Báo cáo Chỉ số đầu tư tác động (Chỉ số Cam) 2024. Đây là một công cụ đo lường đột phá, giúp đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia trên con đường hướng đến một tương lai bền vững và bao trùm. Đây là báo cáo nằm trong chuỗi theo dõi 4 năm về sự phát triển của hệ sinh thái đầu tư tác động tại Việt Nam. Chỉ số Cam đánh giá ba trụ cột chính: Tác động cộng đồng; Bình đẳng giới và Bảo vệ khí hậu, với thang điểm từ 1 đến 100, trong đó 100 là mức đánh giá cao nhất về thành tựu đạt được.

Chỉ số Cam là nền tảng của Phong trào Cam - một sáng kiến toàn cầu với tham vọng huy động 10 tỷ USD vào năm 2030, với mục tiêu trao quyền cho 100 triệu phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số giới. Bằng cách cung cấp một khung đánh giá rõ ràng về bình đẳng giới và hành động khí hậu, Chỉ số Cam làm nổi bật những tiến bộ đã đạt được và các lĩnh vực cần đầu tư thêm trong hệ sinh thái tác động.

Giáo sư Durreen Shahnaz - Giám đốc điều hành và Người sáng lập Quỹ Impact Investment Exchange (IIX), chia sẻ: “Chỉ số Cam Việt Nam 2024 đạt 50 điểm, xếp Việt Nam vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và vượt qua phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tác động xã hội trong việc trao quyền cho phụ nữ thông qua lãnh đạo và tham gia kinh tế”.

Mặc dù đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư tác động, nhưng thông tin tại Diễn đàn cũng chỉ ra rằng, đầu tư tác động tại Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức về khung pháp lý và tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, Chỉ số Cam Việt Nam 2024 cũng cho thấy, vẫn còn tồn tại những thách thức trong lĩnh vực bền vững môi trường, khi Việt Nam chỉ đạt 43 điểm, chỉ ra những khu vực cần có các can thiệp cụ thể, đặc biệt là trong quản lý chất thải, bảo tồn nước và sức khỏe đất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tạo tác động, TS Lương Minh Huân cho rằng: VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc Đạo đức Doanh nhân Việt Nam trong cộng đồng doanh nhân cả nước, bao gồm: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

“Như vậy, có thể thấy 6 quy tắc này khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường ngoài trách nhiệm kinh tế là tạo ra giá trị cho xã hội” – TS Lương Minh Huân nêu.

Đặc biệt, VCCI cũng tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ, hỗ trợ khởi nghiệp rộng khắp trên toàn quốc với một số dự án nổi bật như: Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp”, Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành rau, quả và gia vị của Việt Nam”. Cùng với đó, thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc nghiên cứu và xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình “Đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam” nhằm biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp bền vững, trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.

Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: môi trường đầu tư

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày