Vì sao trời lạnh người mắc bệnh tăng huyết áp dễ bị đột quỵ?
Người bệnh tăng huyết áp cần chú ý những gì khi trời lạnh?
Thời tiết lạnh làm các mạch máu co lại, thu hẹp các mạch máu và động mạch. Do đó, cần nhiều áp lực hơn để vận chuyển máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Hậu quả là huyết áp tăng lên. Sự thay đổi huyết áp do thời tiết phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Do đó người bệnh cần chú ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm.
Người mắc bệnh tăng huyết áp luôn phải chú ý “lắng nghe” cơ thể mình |
Bên cạnh đó, cần tắm nước ấm và khi tắm không nên đột ngột xối nước vào cơ thể mà hãy vớt nước ấm từ từ lên tay, chân rồi mới đến cơ thể để tránh sự thay đổi nhiệt đột ngột. Đặc biệt, luôn chú ý “lắng nghe” cơ thể mình. Bất cứ khi nào thấy các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... đều phải kiểm tra ngay huyết áp xem có gì bất thường; thông báo ngay cho bác sĩ, đồng thời báo cho người nhà đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
Khi trời lạnh, người mắc bệnh tăng huyết áp cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài. Tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa...
Không chỉ người bị tăng huyết áp mà tất cả mọi người không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vào buổi sáng.
Đối với vấn đề tập luyện thể dục là điều cần thiết để nâng cao sức khỏe đối với những người bị cao huyết áp. Tuy nhiên, mùa đông nhiệt độ buổi sáng thường rất thấp nếu thức dậy quá sớm và bước ra ngoài, nhiệt độ ngoài trời sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Do đó, nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh... Khi tập thể dục cũng chọn chỗ kín gió, ấm áp, khởi động kỹ trước khi tập luyện.
Người bệnh tăng huyết áp cần kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt là cần ăn nhạt. Chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày với người trưởng thành. Nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, gà, cá, sữa và chế phẩm từ đậu. Ăn nhiều rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, ăn nhiều cam, quýt, bưởi dưa hấu là những thực phẩm giàu kali giúp lợi tiểu. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol như các loại nội tạng: tim, gan, óc, thận.
Các triệu chứng gợi ý đến tăng huyết áp và mối liên quan đến đột quỵ
Mọi người cần đặc biệt chú ý, nhất là người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp khi có các triệu chứng: Đau đầu, đau nhiều có cảm giác căng tức, kèm theo buồn nôn, nôn ra thức ăn. Hoa mắt chóng mặt, triệu chứng thường thấy ở nữ giới, có thể xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột. Ù tai hai bên, triệu chứng kéo dài. Hồi hộp trống ngực, người bệnh tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, làm xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp trống ngực, tức ngực, khó thở…
Theo các chuyên gia, bệnh tăng huyết áp có mối liên quan tới các bệnh về tim mạch, đột quỵ. Đây là lý do vì sao đột quỵ do tăng huyết áp xảy ra nhiều vào mùa đông. Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15-20% vào mùa đông.
Cụ thể, ở miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1. Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12. Miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía bắc, trong 3 tháng này số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30 - 50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - chia sẻ: Khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85% .
Giải thích việc vì sao dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức cho hay, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não…