Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực máu lên thành động mạch cao hơn so với bình thường. Theo một hướng dẫn điều trị tăng huyết áp của ngành Y tế, tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu >140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.
Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết. Chính vì vậy mà THA còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để nhận biết có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trong gia đình có người thân mắc tăng huyết áp.
Nhiều người có thể bị tăng huyết áp mà không hề biết. Ảnh minh họa |
Nếu huyết áp tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu tăng huyết áp cần chú ý:
- Nhức đầu
- Chảy máu mũi
- Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
- Tê hoặc ngứa ran các chi
- Buồn nôn và nôn
- Choáng và chóng mặt
- Đau tim
Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Bệnh tăng huyết áp sẽ “tấn công” những ai?
- Tuổi: Nguy cơ cao huyết áp tăng theo độ tuổi. Cho đến khoảng 64 tuổi, huyết áp cao phổ biến hơn ở nam giới. Phụ nữ có nhiều khả năng bị huyết áp cao sau tuổi 65.
- Tiền sử gia đình: Có nhiều khả năng bị huyết áp cao nếu có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
- Béo phì hoặc thừa cân: Cân nặng quá mức gây ra những thay đổi trong mạch máu, thận và các bộ phận khác của cơ thể. Những thay đổi này thường làm tăng huyết áp. Thừa cân hoặc béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các yếu tố nguy cơ của bệnh, chẳng hạn như cholesterol cao.
- Thiếu tập thể dục: Không tập thể dục có thể gây tăng cân. Cân nặng tăng làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Những người không hoạt động cũng có xu hướng có nhịp tim cao hơn.
- Sử dụng thuốc lá truyền thống hoặc thuốc lá điện tử: Hút thuốc lá ngay lập tức làm tăng huyết áp trong một thời gian ngắn. Hút thuốc lá cũng làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
- Quá nhiều muối: Quá nhiều muối trong cơ thể có thể khiến cơ thể giữ nước. Điều này làm tăng huyết áp.
- Mức độ kali thấp: Kali giúp cân bằng lượng muối trong tế bào của cơ thể. Sự cân bằng hợp lý của kali rất quan trọng để có sức khỏe tim mạch tốt. Mức kali thấp có thể là do chế độ ăn uống thiếu kali hoặc do một số tình trạng sức khỏe nhất định, bao gồm cả tình trạng mất nước.
- Uống quá nhiều rượu: Sử dụng rượu có liên quan đến việc tăng huyết áp, đặc biệt ở nam giới.
- Căng thẳng: Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Những thói quen liên quan đến căng thẳng như ăn nhiều hơn, sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu có thể khiến huyết áp tăng thêm.
- Một số bệnh mãn tính: Bệnh thận, tiểu đường và ngưng thở khi ngủ là một số tình trạng có thể dẫn đến huyết áp cao.
- Thai kỳ: Đôi khi mang thai gây ra huyết áp cao.
Huyết áp cao thường gặp nhất ở người lớn. Nhưng trẻ em cũng có thể bị huyết áp cao. Huyết áp cao ở trẻ em có thể do các vấn đề về thận hoặc tim. Tuy nhiên, ngày nay càng nhiều trẻ em bị huyết áp cao là do thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu tập thể dục.
Tăng huyết áp gây nên những biến chứng gì?
- Đau tim, đột quỵ: Tăng huyết áp làm xơ cứng và dày thành mạch (xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến cơn đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.
- Chứng phình động mạch: Huyết áp tăng khiến thành mạch yếu đi và phình ra, hình thành chứng phình động mạch. nếu mạch máu bị vỡ có thể đe dọa đến tính mạng.
- Suy tim: Để bơm máu chống lại áp lực cao ở thành mạch, tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến phì đại thất trái. Khi cơ tim dày lên sẽ khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, điều này có thể dẫn đến suy tim.
- Suy thận do nguy cơ thu hẹp động mạch thận khi THA.
- Xuất huyết võng mạc.
- Hội chứng chuyển hoá: Hội chứng này bao gồm một nhóm các rối loạn chuyển hoá của cơ thể, bao gồm: tăng vòng eo, tăng triglycerides, giảm HDL-C (cholesterol tốt), nồng độ insulin cao. Những rối loạn này khiến dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ.
- Biến chứng não: Các động mạch bị thu hẹp khiến máu khó lưu thông đến não, dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu não, chứng mất trí nhớ.
Khi nào cần đi khám?
Kiểm tra huyết áp là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nói chung. Tần suất nên kiểm tra huyết áp tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể của mình. Bắt đầu từ 18 tuổi, hãy đo huyết áp ít nhất hai năm một lần. Nếu từ 40 tuổi trở lên hoặc từ 18 đến 39 tuổi có nguy cơ cao bị huyết áp cao, hãy kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần.
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị đi kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn nếu bị huyết áp cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên có thể được đo huyết áp như một phần của cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Tăng huyết áp diễn biến thầm lặng, ít có triệu chứng nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy nhận biết sớm những dấu hiệu của tăng huyết áp giúp việc điều trị bệnh đơn giản hơn.