Ca bệnh đột quỵ, tim mạch tăng đột biến
Không khí lạnh kéo dài ở miền Bắc kèm theo những đợt rét đậm rét hại đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thống kê của nhiều cơ sở y tế cho thấy, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông, khi thời tiết chuyển lạnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ThS.BS Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, thời tiết biến đổi thất thường khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.
"Trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 20 - 30 ca bệnh cấp cứu vì biến chứng do phổi tắc nghẽn mạn tính; trong đó 10% phải thở máy. Số ca bệnh liên quan tới đột qụy, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể", ThS Hiếu cho hay.
Còn theo TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, số ca vào cấp cứu ở Trung tâm tăng ít nhất 10-15% so với tuần trước. Chỉ riêng 4 ngày qua, Trung tâm tiếp nhận 80 - 100 bệnh nhân/ngày.
Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Những ngày qua, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Theo BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
"Thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác", BS Thắng nói.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, vào những ngày nhiệt độ giảm mạnh, nhiều bệnh nhân cao tuổi đều nhập viện trong tình trạng nặng. Các bác sĩ liên tục phải cấp cứu các trường hợp nhập viện do bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và hô hấp liên quan đến yếu tố thời tiết.
"Số lượng bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nhiều hơn những bệnh khác khoảng 30%", BS Khiêm thông tin.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7. Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, nguyên nhân các ca bệnh này đều do mở cửa đi ra ngoài buổi sáng sớm khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.
Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan. Ghi nhận chung tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ so với các năm trước, nhiều bệnh nhân nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh.
Nam bệnh nhân 34 tuổi điều trị đột quỵ tại Bệnh viện E. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Như tại Bệnh viện E vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 34 tuổi nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Khai thác tiền sử, người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao (bóng bàn) tại cơ quan sau giờ làm việc… Nhiều người đều nghĩ người bệnh bị trúng gió nhưng người bệnh thấy yếu nửa người, nói khó… nên đã đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.
Người bệnh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong "thời gian vàng" sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Người bệnh được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.
Cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80% khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C hoặc giảm đột ngột. Trời lạnh làm mạch máu co lại gây tăng huyết áp. Lạnh cũng có thể làm máu cô đặc, dẫn đến hình thành cục máu đông. Ở môi trường lạnh dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai |
Để nhận biết đột quỵ, theo PGS.TS. Mai Duy Tôn: Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, nói không tròn vành rõ chứ, miệng méo, lệch một bên. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
"Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Đây được gọi là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỷ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm", PGS Mai Duy Tôn lưu ý.
Trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay, vị chuyên gia đột quỵ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột.
Những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu.
Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng, không nên đột ngột ra khỏi giường. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
Sơ cứu người đột quỵ như thế nào? Khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nhanh chóng gọi Cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, nửa ngày hoặc vài ngày mới đưa đi cấp cứu làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ, nếu có răng giả thì phải lấy ra. Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân có thể có rối loạn nuốt. |