Vì sao chi phí khách sạn cách ly lại cao? |
Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và sẵn sàng cho các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, các hãng hàng không Việt Nam đã nhanh chóng nỗ lực mở lại các đường bay quốc tế đáp ứng nhu cầu của rất nhiều khách hàng.
Người nhập cảnh trên các chuyến bay này được yêu cầu cung cấp đầy đủ các giấy tờ thủ tục, giấy xác nhận âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày, đồng thời phải có phương án cách ly với đầy đủ thông tin về phương tiện di chuyển từ sân bay về nơi cách ly, địa điểm cách ly ở đâu, đã đăng ký như thế nào thì mới được nhập cảnh.
Các quy định liên quan tới việc tiếp nhận người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại phải tuân thủ các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ quan chức năng, ngoài ra còn do các địa phương, tỉnh, thành phố quy định, tùy theo năng lực của các cơ sở y tế, khách sạn, nơi lưu trú trên địa bản.
Về cơ sở lưu trú phục vụ cách ly hành khách bay các chuyến bay thương mại quốc tế, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết hiện tại trên địa bàn thành phố đang có 2 khách sạn được sử dụng là nơi cách ly cho phi hành đoàn, 8 khách sạn cho chuyên gia, người nhập cảnh có thu phí. Tổng công suất của 8 khách sạn này là 940 phòng, danh sách các khách sạn được công khai cũng như đính kèm với hướng dẫn cách ly có thu phí cho người nhập cảnh.
Các khách sạn trở thành các cơ sở cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch
Hiện tại trên địa bàn TP.HCM các khách sạn được cách ly có các cấp bình dân, trung cấp, cao cấp từ 2 đến 5 sao với biểu giá từ 1,25 triệu đến 5 triệu đồng với từng phòng, và tùy theo chi phí dịch vụ khác. Biểu giá sẽ phụ thuộc vào chi phí, dịch vụ của người cách ly tại khách sạn.
Các khách sạn tham gia công tác cách ly tập trung phải đáp ứng các quy định và tiêu chí chống dịch ngặt nghèo nên chi phí cao hơn bình thường |
Theo bà Ánh Hoa, ngoài 8 khách sạn này thì Sở Du lịch TP.HCM cũng có đề xuất thêm 16 khách sạn sẽ được công nhận ở đợt sau với công suất 1.025 phòng.
“Các khách sạn này đang được các sở, ban ngành, cơ quan chức năng khảo sát, thẩm định về cơ sở vật chất có đáp ứng yêu cầu cách ly hay không, tập huấn nhân sự… cũng như đáp ứng các phương án cách ly về mặt y tế. Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện thì chúng tôi mới trình UBND thành phố xem xét công nhận là điểm cách ly”, bà Hoa cho biết.
Theo chị Hà, quản lý một khách sạn đang thực hiện công tác cách ly tại TP.HCM, Bộ Y tế yêu cầu khách sạn chỉ phục vụ mục đích cách ly phòng, chống dịch, không được phục vụ mục đích khác trong suốt thời gian có khách cách ly bắt buộc lưu trú, nhân sự phục vụ cũng phải được huấn luyện đào tạo về y tế, đảm bảo an toàn tối đa.
Khách sạn phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm, đảm bảo thông thống, an ninh, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý. Ngoài ra, quy định còn yêu cầu về việc có trạm gác bảo vệ trực 24/24, phân khu, tầng dành cho những người cách ly phải biệt lập, dễ quan sát, tiếp cận, xa các khu vực chức năng của khách sạn như lễ tân, khu sinh hoạt của nhân viên khách sạn, nhân viên y tế, nhà bếp, nhà ăn…
Món ăn tại khách sạn cách ly |
Các phòng cách ly phải thường xuyên mở cửa sổ, hạn chế dùng điều hòa, phải đủ các điều kiện vệ sinh. Các khách sạn cũng phải tuân thủ các quy định về việc có các “phòng đệm” – để trống để đảm bảo quy định giãn cách an toàn, phục vụ riêng... Hoặc các khách sạn này phải phân tầng cho các đoàn khách khác nhau, không xếp ở chung tầng với nhau. Khách vào ở các ngày khác nhau phải xếp tầng khác nhau. Nhân viên phục vụ buồng phòng trực tiếp thì cũng cách ly 14 ngày cùng khách. Khách hoàn tất cách ly với kết quả âm tính khi đó nhân viên phục vụ khách sạn cũng mới được về.
Các khách sạn tham gia công tác cách ly tập trung đòi hỏi nguồn lực rất lớn, không chỉ về nguồn nhân lực mà còn cả các chi phí liên quan tới cơ sở vật chất, phục vụ hậu cần… Chính do những quy định và tiêu chuẩn phục vụ phòng chống dịch ngặt nghèo, nên chi phí cho mỗi phòng cách ly tại khách sạn không như giá phòng ở thông thường.
Việc đón hàng ngàn người về nước và cách ly tập trung chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều nếu không có sự tham gia của các cơ sở lưu trú, khách sạn, điều này được đại diện Sở Du lịch TP.HCM đánh giá cao, thể hiện sự chung tay của các doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch bệnh và cả phát triển kinh tế.
Để đa dạng hơn lựa chọn cho người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại trong thời gian tới, Sở Du lịch TP.HCM khẳng định đang phối hợp để khảo sát 15 khách sạn với 982 phòng nữa trong phân khúc 1 – 2 sao. Theo Sở, các khách sạn này phải đảm bảo cơ sở vật chất, có phương án cách ly đảm bảo yêu cầu của Sở Y tế. Cơ quan này cũng đang vận động các khách sạn ở phân khúc giá bình dân để tạo ra cân bằng giữa các phân khúc khách sạn.
Với quy trình cách ly trả phí khi nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại, bác sĩ Phan Thanh Tâm khẳng định quy định hiện tại khuyến khích cách ly 1 người/phòng và chỉ chấp nhận tối đa 2 người/phòng nếu chứng minh được 2 người có quan hệ gia đình.
Những nỗ lực cả từ phía các doanh nghiệp, hãng hàng không và các sở, ban, ngành liên quan để các nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu kép: chống dịch và phát triển kinh tế vẫn đang được triển khai tích cực. Khi diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn khó lường, điều quan trọng là cần tuân thủ đầy các quy định về cách ly an toàn, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh tốt nhất không chỉ cho người nhập cảnh mà còn cho cả cộng đồng.