Vẽ cờ Tổ quốc: Thể hiện lòng yêu nước nhưng cần giữ sự trang nghiêm của biểu tượng thiêng liêng
Trong không khí kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trên mỗi tuyến phố, con đường Hà Nội đều đã trang hoàng rực rỡ cờ hoa. Tại nhiều địa phương, không chỉ treo cờ mà đang xuất hiện trào lưu hết sức ý nghĩa đó là vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường nhà.
Đặc biệt, nhiều video theo trend (xu hướng) vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà đang được nhiều tài khoản cá nhân liên tục đăng tải lên mạng xã hội, nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Trào lưu ý nghĩa này như đang góp phần “thắp” lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân.
Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà được nhiều người dân hưởng ứng (Ảnh: Mạng xã hội tiktok) |
Tuy nhiên, ngoài hình ảnh vẽ cờ Tổ quốc lan truyền thông điệp tích cực, cũng đã xuất hiện nhiều hình ảnh, video về cờ Tổ quốc "đu trend" không đúng sự thật đã bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ trên mạng xã hội như vụ photoshop hàng loạt mái nhà, cơ quan vẽ cờ Tổ quốc tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Hay, sự việc một người dân tại phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sơn cờ Tổ quốc lên tường nhà nhưng sau đó đã bị yêu cầu xóa bỏ. Theo lý giải của cơ quan chức địa phương, việc yêu cầu này nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về kích cỡ, hình thức, hình ảnh cờ Tổ quốc cũng như đảm việc quản lý, sử dụng, bảo quản hình ảnh cờ Tổ quốc đúng quy định.
Lá cờ là biểu tượng của quốc gia, là biểu tượng của hồn nước, của lòng dân, là niềm tự hào của toàn dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường của thế hệ đi trước. Với ý nghĩa lớn lao đó, vào những dịp lễ lớn của dân tộc, việc treo cờ Tổ quốc luôn được quân và dân trên mọi miền đất nước thực hiện và đã trở thành nét văn hóa riêng có của nhân dân Việt Nam.
Đối với người dân Việt Nam, khi nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, dưới nên trời xanh là lòng luôn trào dâng, phơi phới niềm tự hào trước biểu trưng của ý chí quật cường, lòng yêu nước; đồng thời, bất cứ người dân nào cũng thấy tự hào, biết ơn về sự hy sinh anh dũng của của các thế hệ cha ông cho độc lập, xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước.
Lá cờ đỏ sao vàng, vì thế trải dài theo thời gian đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi một người dân Việt Nam và đã được cộng đồng quốc tế công nhận và tôn trọng.
Với ý nghĩa, giá trị của biểu tượng đó, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc làm cờ, treo cờ Tổ quốc tại Điều 13, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2/10/2012 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có những quy định cấm cụ thể như: Sử dụng cờ Tổ quốc không đúng quy định về kích thước, tạo hình. Sử dụng cờ Tổ quốc đã phai màu, rách, thủng. Cắm cờ Tổ quốc trên vỉa hè, lối đi. Treo cờ ở những nơi khuất, tối. Treo cờ dưới những bảng hiệu, biển quảng cáo kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh, quán bar. Treo cờ dưới những vật dụng kém mỹ quan như: màn che, tấm che nắng, che bụi, sào (dây) phơi đồ…
Vì vậy, việc làm cờ, treo cờ hay hưởng ứng trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường nhà trong các ngày lễ lớn của dân tộc sẽ thêm ý nghĩa khi khi mỗi người dân chú ý và tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, tránh việc người khác có cái nhìn xấu, phản cảm về hình ảnh của Quốc kỳ.
Khi tuân thủ các quy định của pháp luật về Quốc kỳ, thì việc hưởng ứng phong trào vẽ lá cờ Tổ quốc trên nóc nhà sẽ thêm ý nghĩa, qua đó nhân lên, lan toả hành động, hình ảnh đẹp về tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc trong cộng đồng.
Mong rằng, hình ảnh lá cờ Tổ quốc-biểu tượng thiêng liêng của dân tộc sẽ luôn "cháy" trong lòng mỗi người dân Việt và được thể hiện với sự trang trọng, trang nghiêm nhất!