Vào mùa làm thêm, sinh viên khó ủng hộ đề xuất giới hạn giờ làm
Thay vì tận hưởng kỳ nghỉ hè bên gia đình và bạn bè, nhiều sinh viên xem đây là thời điểm lý tưởng để tìm việc làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cho năm học mới, đồng thời tích lũy kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng để khi ra trường có cơ hội làm việc tốt hơn.
Dù chỉ mới là sinh viên năm nhất, Nguyễn Ngọc Lâm (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã lên kế hoạch tìm kiếm một công việc liên quan đến lĩnh vực công nghệ để thử sức trong kỳ nghỉ hè này.
Chia sẻ về lý do tìm việc, Ngọc Lâm cho biết: “Ngành học của em cần học phí khoảng trên dưới 20 triệu đồng cho một năm học. Đây là mức chi phí khá cao và áp lực cho gia đình bởi bố mẹ em đều là lao động tự do, những khoản kiếm được khá bấp bênh và còn phải lo chuyện ăn học cho các em. Vì vậy em muốn tìm việc làm để đỡ đần được phần nào đó cho bố mẹ, giúp trang trải cho học phí của bản thân cho năm học tới”.
Bên cạnh đó, thu nhập từ công việc làm thêm trong kỳ nghỉ ít nhiều cũng giúp Ngọc Lâm độc lập tài chính, có một khoản riêng để mua sắm những đồ dùng cần thiết và chi tiêu cá nhân mà không phải lời xin tiền bố mẹ.
Kỳ nghỉ hè là thời điểm lý tưởng để học sinh, sinh viên tìm việc làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập |
Sắp sửa bước vào năm thứ tư đại học, Nguyễn Ngọc Mai (Đại học Văn hóa) đã sớm quen với việc làm thêm mỗi dịp nghỉ hè. Hiện tại, Ngọc Mai đang làm việc trong lĩnh vực thời trang, người mẫu ảnh. Chính những công việc này đã giúp Ngọc Mai từ một cô nàng nhút nhát, ngại giao tiếp với mọi người trở nên tự tin, cởi mở hơn khi đã quen với việc giao tiếp cùng khách hàng, đồng nghiệp. Việc tiếp cận các công việc, môi trường làm việc khác nhau khiến Ngọc Mai nhận ra những thiếu sót của mình cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm để từ đó tích cực học hỏi và tìm cách cải thiện, giúp bản thân ngày một tốt hơn.
Ngọc Mai bày tỏ: “Trong suốt những năm tháng sinh viên, nếu mình không đi làm thêm, không có những trải nghiệm thực tế thì sẽ thấy rất mông lung về định hướng công việc của chuyên ngành mình đang theo học. Và khi tìm được việc làm những cơ hội mới đã mở ra và càng làm thì càng thấy bản thân có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn trong tương lai nhờ những kinh nghiệm quý giá mà mình tích lũy được”.
Có thể thấy, việc làm thêm không chỉ giúp các sinh viên có thêm thu nhập mà còn trang bị nhiều kiến thức cho các em trong hành trình tương lai.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại có đề xuất quy định sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm, song không quá 20h/tuần trong kỳ học và không quá 48h/tuần trong kỳ nghỉ. Đề xuất này thu hút sự quan tâm của các học sinh, sinh viên, nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn, có người quan ngại nhưng có người lại rất đồng tình.
Các học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh, cơ hội việc làm các ngành học của các trường đại học |
Ngọc Thu (sinh viên trường Cao Đẳng FPT), bày tỏ, giới hạn thời gian làm thêm sẽ gây khó khăn trong việc tìm công việc phù hợp. Bởi, thường các công việc làm thêm yêu cầu mỗi ca làm tối thiểu 4 - 5 giờ/ngày và ít nhất 5 - 6 ngày/tuần. Trong năm học, Thu đi làm 6 ca/tuần, mỗi ca 6 giờ đồng hồ. Tổng thời gian đi làm là 36 giờ/tuần, nếu theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là quá quy định 16 giờ. Còn kỳ nghỉ hè mình đi làm từ 10 - 12 ca/tuần, mỗi ca 6 giờ. Tổng thời gian đi làm khoảng 60 - 72 giờ, cao hơn nhiều so với đề xuất của Bộ.
Đó cũng là nỗi băn khoăn của nhiều sinh viên khác, Nguyễn Minh, sinh viên trường Đại học Hà Nội cho rằng, việc đi làm không ảnh hưởng tới thời gian học, việc giới hạn thời gian làm thêm như vậy tạo ra nhiều áp lực cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nguyễn Minh cho biết, đang làm thêm ở cửa hàng đồ uống và Minh hoàn toàn có thể sắp xếp lịch làm theo lịch học, có thể đổi ca nên sẽ không ảnh hưởng tới việc học tập.
Nhiều phụ huynh cũng đưa ra ý kiến trước đề xuất này. Chị Thủy, một phụ huynh có con là sinh viên đồng tình với đề xuất này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chị chia sẻ, con gái học năm 2 đại học và cũng đi làm thêm. Tuy nhiên, những lúc con đi làm về thấy con mệt mỏi, chị đã khuyên con nghỉ làm thêm và tập trung vào việc học tập.
Chị Lan, một phụ huynh khác chia sẻ rằng, chị không cấm con trai mình đi làm thêm, nhưng không nên đăng ký làm quá nhiều vì các con vẫn đang ở độ tuổi cần nhiều thời gian cho việc học.
Các chủ cửa hàng hay những doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm thêm cũng bày tỏ sự lo lắng trước đề xuất này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chị Mỹ Linh, chủ một quán cà phê có rất nhiều sinh viên đang làm thêm cho biết, các sinh viên ngày nay rất chủ động, các em đã biết cách cân đối giữa việc học và công việc cho hợp lý. “Các sinh viên đang làm thêm ở quán mình có các hoàn cảnh khác nhau, nhiều bạn phải đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhiều bạn lại chỉ đi làm thêm để trải nghiệm. Thế cho nên giới hạn thời gian như vậy sẽ thiệt thòi cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn”, chị Mỹ Linh nói.
Theo các chuyên gia, việc học kết hợp với việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp các sinh viên vừa đáp ứng kiến thức vừa có kinh nghiệm thực tế. Do đó, cân đối thời gian phù hợp và tăng tính chủ động là điều sinh viên cần làm. Hơn hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận từ nhiều phía khi xây dựng chính sách để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.