Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày Tết Nguyên đán, mẹ tôi thường mua vài bó lá mùi già về nhà, rửa thật sạch, rồi treo lên cho ráo nước, đợi đến chiều ngày 30 Tết, sau khi công tác chuẩn bị bánh trái, dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa đã xong xuôi, mẹ sẽ nấu một nồi nước lá mùi thật to cho tất cả mọi người trong gia đình cùng tắm. Cái mùi hương lá nồng nàn, thoang thoảng, tỏa hương bay khắp nhà, vương vấn trên đồ đạc, quần áo, cơ thể luôn khiến tôi có cảm giác hương vị Tết thật tươi mới và dễ chịu vô cùng.
Mẹ tôi nói, chọn lá mùi để tắm thì cần chọn những cây già, đã trổ hoa hoặc ra quả thì sẽ cho hương thơm đượm hơn, bởi trong quả của cây mùi già có rất nhiều tinh dầu, khi đun nóng lên tinh chất từ cây mùi sẽ tan vào nước, tạo ra hương thơm lâu hơn, đượm hơn. Theo phong tục truyền thống, tắm nước lá mùi già ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những điều chưa may mắn của năm cũ, sẵn sàng để đón nhận một năm mới may mắn, hạnh phúc và thành công hơn.
Phong tục tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết vẫn được nhiều người dân Việt Nam gìn giữ |
Cũng bởi yêu cái mùi hương lá mùi già ấy mà cho đến tận bây giờ, khi đã trở thành một người phụ nữ đã có gia đình riêng, có con cái, bộn bề với rất nhiều công việc vào dịp cuối năm, nhưng phong tục tắm nước lá mùi già vẫn được tôi duy trì đều đặn vào ngày cuối cùng của năm cũ. Vợ chồng tôi sống xa quê, nên năm nào gần Tết Nguyên đán cũng đưa con về quê ăn Tết với ông bà nội, ngoại, sợ bận rộn không có thời gian đi chợ, không mua được lá mùi, nên trên chuyến xe về quê dịp cuối năm lần nào tôi cũng mang theo vài bó lá mùi già đã rửa sạch để ráo nước, đợi đến chiều 30 Tết đun nước tắm cho cả gia đình. Các con tôi, cũng giống như mẹ chúng năm xưa, háo hức và chờ đợi đến chiều ngày 30 Tết để được tận hưởng mùi hương nồng nàn, dễ chịu tỏa ra từ nồi nước tắm. Rồi cũng giống như mẹ mình ngày xưa, tôi lại nói cho con nghe về ý nghĩ của việc tắm lá mùi để con nhớ về một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam vào mỗi dịp Tết đến, về những truyền thống văn hóa tốt đẹp cần được giữ gìn và lan tỏa.
Chọn lá mùi để tắm nên chọn những cây già, đã trổ hoa |
Không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, tâm linh, ngày nay, các nhà khoa học còn chứng minh rằng, việc tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết mang một ý nghĩa rất tốt cho sức khỏe, bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, giúp phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy. Ngoài ra, rau mùi còn là một loại gia vị trong bữa ăn hàng ngày, giúp ích cho những người bị suy nhược thần kinh, giúp lưu thông khí huyết và dùng để chữa trị cảm cúm rất hiệu quả.
Cũng bởi hiệu quả và ý nghĩa của việc tắm nước lá mùi, mà ngày ngay, dù bận rộn với rất nhiều công việc, với áp lực của cuộc sống ngày càng gia tăng, nhưng phong tục tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết vẫn được nhiều người dân Việt Nam gìn giữ, duy trì, coi đó như nét văn hóa đẹp để truyền dạy cho thế hệ sau. Nắm được tâm lý đó, nhiều nhà sản xuất còn nhanh nhạy trong kinh doanh, nấu sẵn nước lá mùi, đóng vào từng chai nhỏ rồi bán cho những người có nhu cầu nhưng lại ít thời gian vào dịp Tết. Thương mại điện tử cũng giúp con người không phải ra tận cửa hàng hay chợ mới mua được sản phẩm, mà chỉ cần một cuộc điện thoại là được người bán ship hàng đến tận nơi. Tuy nhiên, mùi hương của nước lá mùi pha sẵn đôi khi đã bị pha tạp bằng hương liệu, nên nhiều người vẫn chọn cách mua lá mùi già về nhà tự nấu.
Anh Tân năm nào cũng mang lá lùi già từ Hưng Yên ra Hà Nội bán cho người dân vào dịp Tết Nguyên đán |
Để giúp người dân duy trì được nét văn hóa đẹp đó, anh Tân - một người nông dân quê ở Hưng Yên năm nào cũng chở lá mùi già đi bán khắp các chợ tại Hà Nội vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Anh Tân kể với phóng viên Báo Công Thương rằng, khác với nhiều cây trồng khác như cam, ổi, bưởi, cây mùi dễ sống hơn, nhưng thân nhỏ, mềm và dễ gẫy đổ nếu gặp thời tiết mưa, gió, nên quá trình chăm sóc đến khi cho thu hoạch, người dân cũng phải che chắn rất cẩn thận. Thế nhưng giá bán lại không cao, trồng 6-7 tháng mới được 1 lứa mùi già, nhưng giá bán cũng chỉ 10 -15 ngàn đồng 1 bó, giá trị kinh tế thấp hơn nhiều loại cây trồng khác. Nhưng gia đình vẫn lựa chọn trồng loại cây này, một phần vì phù hợp với thổ nhưỡng, một phần vì muốn duy trì, lan tỏa truyền thống ý nghĩa của gia đình, quê hương trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Cũng nhờ những người nông dân như anh Tân, mà những ngày cận Tết Nguyên đán, trong không khí hối hả của dòng người với rất nhiều bộn bề, lo toan, thì ở một góc chợ nào đó, vẫn có một nơi để cho người ta lắng lại, cất đi những bộn bề hiện tại, tìm về những điều xưa nhưng không hề cũ, để lan tỏa ý nghĩa của tắm nước lá mùi già cho những thế hệ mai sau.