Đưa không gian văn hóa dân tộc Ba Na vào lớp học Trang phục truyền thống dân tộc Ba Na: Lấy thiên nhiên làm hình mẫu |
Văn hóa cồng chiêng dân tộc Ba Na có từ lâu đời và gắn bó với đồng bào từ thưở sơ sinh qua lễ thổi tai đến lúc từ giã cuộc đời với lễ bỏ mả. Cồng chiêng của dân tộc Ba Na luôn hiện diện và không thể thiếu trong các dịp dân làng tổ chức nghi lễ cúng cầu an, mừng giọt nước, cầu mưa, mừng lúa mới…
Cồng chiêng của dân tộc Ba Na không thể thiếu trong các dịp lễ hội |
Già Làng Đinh Phyưm dân tộc Ba Na ở làng Stơr xã Tơ Tung huyện Kbang tỉnh Gia Lai cho biết: Trước khi thực hiện các lễ, hội lớn, thầy cúng phải cầu khấn các Yàng về chứng giám. Đồng thời báo cho những người đã mất biết để xin phép lấy bộ cồng chiêng xuống cho làng đánh. Nghi thức hạ cồng chiêng thường diễn ra trong nhà Rông với lời khấn: “Hỡi…Yàng. Hỡi … những người đã mất từ xa xưa, nhừng người thân trong gia đình liên quan đến bộ cồng chiêng hôm nay, làng chúng tôi xin phép lấy cồng chiêng để phục vụ dánh trong buổi lễ của làng, mong các cô, các bác, các ông đã mất hãy chứng kiến tạo điệu kiện cho chúng tôi không ốm đau, đánh chiêng âm vang không bị hư chiêng.
Lễ cúng đơn giản chỉ tấm lá chuối xanh, rượu và vỏ trứng gà để xin báo cho người đã mất biết. Sau khi xin phép, già làng ngồi lau, chỉnh từng chiếc cồng, chiêng một cách trân quý, thận trọng. Lễ hạ cồng chiêng kết thúc, già làng thông báo lần lượt các chàng trai mang cồng chiêng xuống chuẩn bị cho buổi lễ, hội. Đó cũng là lúc các nghi thức của lễ chính bắt đầu và cồng chiêng vang lên những giai điệu thiêng.
Trước khi tiến hành các lễ, hội lớn phải tiến hành nghi thức hạ cồng chiêng |
Cồng chiêng của dân tộc Ba Na cũng như các dân tộc khác trên mảnh đất Tây Nguyên từ xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có của các gia đình. Cồng chiêng được đổi bằng rất nhiều giá trị khác như đổi bằng con trâu, bằng con bò. Trước đây gia đình, dòng họ nào có nhiều bộ chiêng quý, có nhiều nồi đồng hay ché quý thì không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn thể hiện sức mạnh, vị trí cao quý trong cộng đồng của làng.
Do giá trị của cồng chiêng quý giá và thiêng liêng nên người dân tộc Ba Na không tùy tiện mượn của người khác để sử dụng, hoặc nếu chủ nhà cho mượn được cồng chiêng thì chủ nhà cũng phải đổ rượu ghè to để báo cho những người thân trước đây đã mất, xin phép cho làng mượn đánh trong dịp lễ đó.
Lễ hội bắt đầu với những giai điệu thiêng của cồng chiêng vang lên |
Già làng Đinh Phyưm tự hào, đối với dân tộc Ba Na, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị trong đời sống. Âm vang cồng chiêng luôn luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh, nghi lễ của người Ba Na.
Loại có núm ở giữa gọi là cồng |
Loại không có núm ở giữa thì gọi là chiêng |
Cồng chiêng của người Ba Na thuộc họ nhạc khí tự thân vang, mặt chiêng cồng có cấu tạo hình tròn (có núm hoặc không có núm). Loại chiêng có núm ở giữa gọi là cồng (chiêng núm), còn loại chiêng không có núm ở giữa thì gọi là chiêng (chiêng bằng). Kích thước chiêng to, nhỏ khác nhau, chiêng nhỏ nhất 20 cm đến chiêng lớn nhất 100 cm, độ dày, mỏng của mỗi chiếc chiêng phụ thuộc vào kích cỡ chiêng to hay chiêng nhỏ. Chiêng to phải có hai người khiêng hoặc treo trên giá cố định, chiêng nhỏ buộc dây xách bằng tay trái, tay phải cầm dùi gõ. Dùi chiêng làm bằng gỗ, đầu gõ có núm tròn bọc vải hoặc da thú. Cũng có khi không dùng dùi mà đánh chiêng bằng bàn tay, âm thanh nghe không vang to nhưng êm dịu, mềm mại.
Dàn cồng chiêng của dân tộc Ba Na ít nhất phải có 3 chiếc cồng, 5 chiếc chiêng |
Những bộ cồng chiêng quý nhất thường có âm thanh đẹp, âm trầm vang xa |
Cồng chiêng cũng có thể kết hợp với những nhạc cụ khác |
Dàn cồng chiêng của dân tộc Ba Na ít nhất phải có 3 chiếc cồng, 5 chiếc chiêng, còn dàn cồng chiêng hoàn chỉnh phải có từ 4-6 cồng, từ 8-10 chiêng. Mỗi chiếc chiêng có tên gọi riêng, sắp xếp theo thang 5 âm và theo từng âm khu cao thấp khác nhau. Ngoài ra, đi kèm với dàn cồng chiêng hoàn chỉnh còn có thêm các nhạc khí hỗ trợ khác như lục lạc, xập xõa, trống lớn...
Những bộ cồng chiêng quý nhất thường có âm thanh đẹp, âm trầm vang xa, âm cao lảnh lót. Giai điệu âm nhạc cồng chiêng người Ba Na thường có tính chất hát kể, tự sự trên thang 5 âm không cố định, ngoài bậc chủ âm và các bậc tạo khung thang âm điệu thức, thì các bậc còn lại đều mang tính biến đổi để tạo thành quãng bán cung với những bậc kế cận và là cơ sở cho sự đan giao giữa các điệu khác nhau hay sự chuyển hệ trong cùng một điệu.
Nhạc cồng chiêng của dân tộc Ba Na thường đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hát |
Cấu trúc của âm nhạc cồng chiêng của dân tộc Ba Na thường đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hát, gồm các hình thức một đoạn đơn, hai đoạn đơn tái hiện, một số ít bài bản có hình thức cấu trúc một đoạn kép và đều có đặc tính sử dụng khá năng động, linh hoạt và tính khái quát khá cao. Trong mỗi bài nhạc đều có thể hát với những lời ca có nội dung khác nhau và ngược lại, có thể sử dụng nhiều bài bản với tính chất âm nhạc khác nhau để hát kể về một nội dung cốt truyện nào đó.
Cồng chiêng của dân tộc Ba Na như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu |
Thưởng thức các giai điệu cồng chiêng của dân tộc Ba Na ngân lên chúng ta cảm nhận như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống từ đại ngàn vọng về.
Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, đời sống kinh tế của dân tộc Ba Na nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung cũng ngày một no ấm hơn. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người dân Ba Na tiếp tục gìn giữ, lưu truyền văn hoá cồng chiêng, lan toả niềm tự hào cho các thế hệ tiếp nối, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.