VAMC được phép bán nợ xấu thấp hơn nợ gốc của khoản vay
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN (Thông tư 19) ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 căn cứ quy định tại Luật Tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42).
Ngày 18/1/2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực thi hành từ 1/1/2024 và một số nội dung quy định tại Nghị quyết 42 đã được luật hóa tại Luật tổ chức tín dụng 2024.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số điều khoản tại Thông tư 19 cho phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho VAMC thực hiện hoạt động mua, bán, xử lý nợ đúng quy định của pháp luật.
VAMC được bán nợ xấu thấp hơn nợ gốc |
Một số nội dung chính của dự thảo Thông tư như sau: Bổ sung đối tượng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung nguyên tắc mua bán nợ xấu, việc mua nợ xấu của VAMC từ tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường để phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 197 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Sửa đổi, bổ sung quy định cấp tín dụng đối với khách hàng vay có nợ xấu bán cho VAMC.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường là: Được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ; trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước…
VAMC chỉ được mua nợ xấu theo giá trị thị trường sau khi đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định; xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu (phải định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo); đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng bán nợ; dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, VAMC bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu; được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân.
Lý do sửa đổi bổ sung quy định trên được cơ quan soạn thảo cho biết, để phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Cụ thể, khoản 1 Điều 197 đã cho phép: “Tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”
Do vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 19 đã bổ sung khoản 4 trong điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường. Quy định hiện nay theo Khoản 2 Điều 23 chỉ áp dụng điều kiện này đối với các khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 197 Luật các tổ chức tín dụng đã cho phép VAMC được thực hiện chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường. Do vậy cần quy định bổ sung điều kiện này đối với tất cả các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường...