Chính phủ cùng các tập đoàn kinh tế tư nhân đồng hành phát triển kinh tế Những “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi nhanh, đúng hướng Thủ tướng làm việc cùng các tập đoàn kinh tế tư nhân |
Tất cả những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc phân công nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc này đều đã rõ. Điều quan trọng là phải cùng nhau thực hiện chủ trương đúng đắn này trong 5-10 năm tới, sao cho các tập đoàn kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của nền kinh tế nước nhà theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước.
Chúng ta đều biết, sau gần 40 năm đổi mới kể từ năm 1986 đến nay, đất nước ta đã phát triển mạnh về nhiều mặt. Từ một nước thu nhập thấp, đến năm 2022 Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Các thành phần kinh tế của các ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ đều có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa |
Riêng trong lĩnh vực thương mại, từ thời kì bao cấp kế hoạch hóa tập trung, sang hạch toán và tự chủ kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thương mại nội địa Việt Nam hiện nay đóng góp khoảng 14% GDP, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người lao động. Từ chỗ chỉ có hệ thống của kênh thương mại truyền thống ở các chợ dân sinh, ngày nay toàn quốc đã có gần 9.000 chợ, chợ đầu mối; 1.300 điểm siêu thị; 130 trung tâm thương mại và 5.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini.
Với lực lượng như trên, thương mại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sản xuất nhiều hơn, sạch hơn và phục vụ tiêu dùng xã hội thông qua việc thu mua hàng hóa, giải quyết đầu ra cho sản xuất hàng Việt. Cùng với các ngành kinh tế khác của đất nước, thương mại nội địa đã vượt qua nhiều khó khăn trong thời kì chống dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021. Trong đó phải nói đến sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp thương mại tư nhân, bà con kinh doanh cá thể và các hợp tác xã thương mại dịch vụ trong cả nước đã có nhiều cố gắng để vừa tổ chức thu mua hàng hóa cho sản xuất, nhất là hàng nông sản thực phẩm vừa đảm bảo phục vụ tiêu dùng cho các gia đình trong thời kỳ có dịch vừa qua. Nêu điều này để cho chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của thương mại tư nhân, các thành phần kinh tế và thương mại nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình phục vụ, nhiều thương hiệu bán lẻ tư nhân đã ghi được dấu ấn đẹp đẽ trong lòng người tiêu dùng xã hội của cả nước như: Saigoncoop, Winmart, Vincom, Masan và sau này là Hapro thuộc Tập đoàn BRG,… Rõ ràng trong sự phát triển ngành thương mại nội địa không thể không có vai trò đóng góp quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo để từng bước xây dựng các tập đoàn thương mại tư nhân Việt Nam phát triển, vươn lên làm chủ thị trường nội địa, vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã, đang và sẽ có mặt ở thị trường Việt Nam.
Chúng ta tin chắc rằng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tư nhân ở Việt Nam rất quan tâm đến chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển các tập đoàn thương mại. Ngoài sự cố gắng nỗ lực chủ quan của doanh nghiệp, họ đều có chung mong muốn: Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng công khai minh bạch trên thị trường. Các doanh nghiệp cần đi lên bằng năng lực của chính mình, bằng sự luôn luôn đổi mới, sáng tạo đưa khoa học công nghệ thời kỳ 4.0 vào sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và xây dựng thương hiệu của mình.
Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa Việt, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh so với các nước. Đó là đầu vào quan trọng của thương mại nội địa trong bất kể thời gian, tình huống nào. Khó khăn cũng như thuận lợi, luôn đẩy mạnh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất phân phối hoạt động lành mạnh, chia sẻ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của mình được phân công.
Tiếp theo đó cần tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính, xây dựng hạ tầng thương mại,… để giảm chi phí lưu thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường nội địa.
Kiểm soát thị trường chống gian lận buôn lậu thương mại, bảo vệ các nhà thương mại chân chính, xử lí nghiêm các vi phạm.
Nếu làm được những vấn đề cơ bản trên đây chúng ta tin tưởng rằng trong những năm tới, một tương lại không xa, cùng với các doanh nghiệp thương mại của các thành phần kinh tế khác, Việt Nam sẽ có những tập đoàn thương mại tư nhân hùng mạnh như các nước phát triển đã đi trước, hoạt động đắc lực nhằm kích thích sản xuất phát triển, tiêu dùng lành mạnh, bền vững. Thương mại sẽ góp phần tích cực vào việc lưu thông hàng hóa, kiềm chế lạm phát một cách hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế quốc gia.