Phát biểu tại buổi hội thảo trực tuyến, ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ về tiềm năng của các sản phẩm Việt Nam trên sàn giao dịch điện tử quốc tế: "Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời sở hữu nền tảng sản xuất vững mạnh. Các sản phẩm Made in Vietnam như đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp và tiện ích gia đình… trên Amazon luôn được ưa chuộng bởi khách hàng trên toàn cầu".
Ông Gijar Seong cũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Amazon đã làm việc với các nhà xuất khẩu Việt Nam để bán khẩu trang y tế tại Mỹ và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để giao dịch khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ.
Trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra khiến người tiêu dùng tập trung vào mua sắm đồ dùng gia dụng, đồ thiết yếu, người tiêu dùng quốc tế thường yêu thích các sản phẩm thời trang trẻ em và phụ nữ, thiệp 3D, hoa giấy… của các nhà bán hàng Việt Nam.
Ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch thị trường quốc tế và bán lẻ của Amazon - cho biết, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất và bán lẻ, vì vậy, trong thời gian tới, tập đoàn này sẽ mở rộng và đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành một công ty chuyên bán rong nho biển trên Amazon - cho biết, khi công ty lần đầu tiên tham gia chương trình khuyến mãi Black Friday và Cyber Monday trên sàn giao dịch điện tử, doanh thu của công ty đã tăng lên 300%. Vào dịp Lễ Tạ ơn, doanh thu của công ty đã tăng lên 500%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu, những nhà bán hàng trên sàn giao dịch điện tử cần phải tiếp tục cải thiện để có khả năng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Theo ông Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế số và Thương mại điện tử Việt Nam, Bộ Công Thương - các doanh nghiệp trong nước cần phải tự đào tạo về thương mại điện tử, nghiên cứu sở thích của khách nước ngoài và trau dồi khả năng ngoại ngữ vì hoạt động bán hàng xuyên biên giới yêu cầu sự tương tác trực tiếp với người mua.