Ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại từ EU: Đừng để bị động
Những cam kết chính
Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch, song thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU năm 2021 đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2020. Một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt, thép và sản phẩm từ nhựa, cao su. Mặt khác, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 16,5 tỷ USD.
Xuất khẩu thép vào thị trường EU tăng mạnh |
Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng hàng hóa xuất khẩu sang EU, theo đại diện Cục PVTM (Bộ Công Thương), DN cần chủ động nắm rõ quy định về PVTM của EU để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM từ các nước đối tác, tận dụng được hiệu quả cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Trong cam kết về PVTM, EVFTA quy định việc áp dụng quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn. Cụ thể, khi Việt Nam hoặc EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, mức thuế được áp dụng phải căn cứ vào biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp (tùy thuộc vào biên độ nào là thấp hơn) và chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại. Thực tế, trong gần một nửa số trường hợp, các biện pháp chống bán phá giá do EU áp dụng đối với nhà xuất khẩu riêng lẻ được đặt ở biên độ thiệt hại thay vì biên độ phá giá cao hơn. Điều này cho thấy, mức thuế mà EU đưa ra sẽ không nhằm mục đích trừng phạt mà chỉ ở mức tối thiểu cần thiết nhằm khôi phục lại một “sân chơi” bình đẳng cho các ngành công nghiệp của EU. Ngoài ra, Việt Nam và EU sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng.
Cũng theo cam kết, PVTM áp dụng khi có sự gia tăng nhập khẩu quá mức từ các bên ký kết Hiệp định EVFTA do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo EVFTA dẫn đến việc ngành sản xuất bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng. Biện pháp tự vệ song phương chỉ được áp dụng trong 10 năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Ngoài khoản này, việc áp dụng phải được sự đồng ý của bên bị áp dụng.
Thường xuyên theo dõi cảnh báo sớm
EU có hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ về các nội dung này và rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng công cụ PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, để chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về PVTM cần thường xuyên cập nhật những thay đổi trong quy định về PVTM của EU để thông báo cho cộng đồng DN. Đồng thời, làm tốt công tác cảnh báo sớm các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM tại thị trường EU. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam nước ngoài và hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho DN trong nước. Nhằm hỗ trợ DN chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.
Dù có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, song, theo các chuyên gia, DN cũng cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến việc cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh bằng giá. Ngoài ra, lưu ý nghiên cứu và tham vấn với các cơ quan liên quan trong quá trình tham gia vụ việc điều tra PVTM của EU để tránh bị áp dụng quy định về thị trường lệch lạc đáng kể.
Trong trường hợp bị điều tra PVTM, DN nên hợp tác, liên kết các bên. Cụ thể, thường xuyên trao đổi với Cục PVTM để có sự tư vấn cũng như cập nhật tình hình; phối hợp, liên kết với DN cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung với các vụ kiện có thể xảy ra. Trong trường hợp cần thiết, nên kết hợp với chuyên gia tư vấn và luật sư, những đơn vị có kinh nghiệm tham gia các vụ kiện tại EU và quốc tế, để được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, chính xác với chiến lược hiệu quả.
EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM trong giai đoạn 1998 - 2021 với các mặt hàng của Việt Nam: Giày mũ da, mì chính, ống tuýp thép, ốc vít, xe đạp, bật lửa ga, xe nâng bằng tay, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, oxide kẽm, sợi polyester, thép. Ngoại trừ biện pháp tự vệ với thép, các biện pháp còn lại đều đã hết hiệu lực hoặc không áp thuế. |