Trên cơ sở nền tảng Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, triển khai tích cực.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. |
Cụ thể, Tuyên Quang đã chủ động triển khai các Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện kế hoạch đấu tranh, kiểm tra liên ngành theo từng chuyên đề, tuyến, lĩnh vực cụ thể để chủ động phòng ngừa, tấn công, răn đe tội phạm..., không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đã kiểm tra, xử lý 211 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy hàng hóa là 725 triệu đồng. Trị giá hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý là gần 500 triệu đồng.
Riêng với thị trường vàng, phát hiện 16 cơ sở trên địa bàn tỉnh vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt là 189 triệu đồng.
Đối với thị trường xăng dầu, Cục đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong năm 2024, chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào vi phạm.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và trách nhiệm đã được nâng cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, sử dụng các biện pháp bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chung tay bài trừ, tẩy chay các hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Đồng thời, Sở Công Thương Tuyên Quang đã phát động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam với 4 nội dung như: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về ý nghĩa của “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3”; Phối hợp làm tốt công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.
Mỗi Người tiêu dùng chúng ta hãy nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã ghi nhận; các cơ chế và biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi giao dịch với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm để hướng tới trở thành “Người tiêu dùng thông thái”.
Với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", Tuyên Quang đang nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, để từ đó, góp phần giữ ổn định, tạo động lực đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh ngày một phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.