Ngành điện Tuyên Quang nỗ lực khắc phục sự cố do bão số 3 gây raTuyên Quang: Chủ động bảo đảm cung cấp điện trong mọi điều kiện thời tiếtCảm phục những người thợ điện nhiều lần hiến máu cứu người |
Đẩy mạnh lắp đặt công tơ điện tử
Bên cạnh đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành điện Tuyên Quang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trên địa bàn và quản lý kĩ thuật. Trong đó, có việc lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí đang được đơn vị đẩy mạnh.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Tuyên Quang, đến hết tháng 9/2024, đơn vị đã lắp đặt được 263.901 công tơ điện tử các loại trên tổng số 283.208 công tơ đang vận hành trên lưới chiếm tỷ lệ 93,18% (trong đó số công tơ điện tử đã lắp đo xa đạt 221.370 công tơ, đạt 78,2%,). Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 lắp đặt 100%, các công tơ trong hệ thống này sẽ được đọc tự động, từ xa qua hệ thống máy tính để giảm tối đa việc đọc thủ công công tơ của khách hàng. Qua đó, tinh gọn được bộ phận công nhân đọc chỉ số công tơ, đảm bảo tính chính xác trong việc ghi chốt chỉ số điện năng tiêu thu và lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng, giảm thiểu những sai sót do lỗi chủ quan của con người; giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số công tơ.
Việc lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí đang được đẩy mạnh |
Từ nhiều năm nay, công việc của anh Hoàng Thanh Bình, Đội trưởng đội Kinh doanh dịch vụ Điện lực Hàm Yên (Tuyên Quang) đã nhanh hơn rất nhiều bởi việc ghi số điện đã không còn thực hiện bằng hình thức thủ công như trước.
"Việc thay thế công tơ thường bằng công tơ điện tử đo xa đã giúp được giảm số công nhân đọc chỉ số công tơ, đảm bảo chính xác trong việc ghi chốt chỉ số điện năng tiêu thu và lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng, giảm thiểu những sai sót do lỗi chủ quan của con người", anh Bình cho hay.
Ông Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết: Việc lắp đặt công tơ điện tử có tính năng đo xa, giúp ngành Điện giảm nhân công ghi chỉ số công tơ, góp phần tăng năng suất lao động. Với tần suất thu thập dữ liệu thường xuyên, nhân viên ngành điện dễ dàng theo dõi các thông số vận hành của từng điểm đo, các thông số về dòng điện, điện áp, tình trạng quá dòng, đầy tải, lệch pha… từ đó lên phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu các sự cố, đảm bảo cung cấp điện an toàn và nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện.
Ngành điện Tuyên Quang đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc chú ý đến công tác theo dõi chỉ số, phát hành hóa đơn, tiếp nhận thông tin kiến nghị của khách hàng về hệ thống đo, đếm điện tử. Ðồng thời, lưu ý các điện lực chú ý kiểm tra chặt chẽ chỉ số điện năng tiêu thụ của khách hàng, trước khi lập hóa đơn; tiến hành phúc tra các khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng hoặc giảm đột biến từ 30% trở lên so với tháng liền kề, nhằm tránh các sai sót do chủ quan…
Ngoài ra, đối với những trường hợp, khách hàng có thắc mắc, yêu cầu phải kiểm tra các công tơ điện tử có sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến, ngành điện sẽ cử nhân viên đến tận nhà để kiểm tra sai số của công tơ điện tử và việc sử dụng điện của khách hàng. Từ đó, kịp thời giải quyết các yêu cầu, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện.
Mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng
Không chỉ đối với ngành điện, chính người dân cũng là đối tượng hưởng những tiện ích của việc chuyển đổi số này. Công tơ điện tử đo xa cập nhập số liệu điện tiêu thụ liên tục hàng ngày hàng giờ về hệ thống và người dân có thể xem được mức độ tiêu thụ điện của mình để điều chỉnh phù hợp.
Dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu thông tin hiện đại, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, qua số điện thoại Trung tâm chăm sóc khách hàng 19006769, giúp tiếp nhận các yêu cầu về dịch vụ điện hoặc có thể đăng nhập vào website chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hoặc cài đặt App CSKH trên điện thoại thông minh, khách hàng có thể sử dụng tất cả các dịch vụ điện trực tuyến. Với những tiện ích mang lại, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt 80,97%.
Không chỉ đối với ngành Điện, chính người dân cũng là đối tượng hưởng những tiện ích của việc chuyển đổi số |
Bà Tô Minh Lý ở TP. Tuyên Quang cho biết, trước kia có thông báo bằng hòa đơn giấy thì mới biết tiền điện, số điện hàng tháng. Bây giờ mỗi ngày chỉ cần qua ứng dụng của bên Điện lực trên điện thoại là biết được rồi.
"Tiện hơn nhiều chứ, tôi đặt mục tiêu mỗi tháng chỉ dùng bằng này điện nên việc theo dõi được chỉ số điện hàng ngày của gia đình trên điện thoại giúp tôi điều chỉnh được. Từ đó tiết kiệm được khá nhiều tiền điện", bà Lý chia sẻ.
Có thể thấy, với sự nỗ lực của ngành điện Tuyên Quang trong việc triển khai lắp đặt công tơ điện tử tại đơn vị cho thấy bước chuyển mình nhanh chóng trong cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện từ việc chuyển đổi mô hình thủ công sang bán tự động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, dịch vụ khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.