Thứ hai 18/11/2024 11:17

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Tỉnh Tuyên Quang sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành cùng tiềm năng lớn du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Tập trung phát triển du lịch nông nghiệp

Nằm ở vùng trung du miền núi phía Bắc, cách trung tâm Hà Nội 140km, tỉnh Tuyên Quang sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành cùng tiềm năng du lịch phong phú với hơn 500 di tích lịch sử và 16 di sản văn hóa phi vật thể. Tuyên Quang còn là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người.

Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Thành Đạt

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang phối hợp với TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Đây là tiền đề để Tuyên Quang tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại, làng nghề của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Qua đó, tạo sự kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại, làng nghề với các thị trường trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang: Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, Tuyên Quang xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 4 sản phẩm đặc thù gồm: Du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh - lễ hội...

Bên cạnh đó, nhờ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm OCOP được gắn 3 sao trở lên, trong đó, có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà. Không ít sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Âu là những sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh hiện có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương này đã thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án. Trong giai đoạn 2022-2024, đã phân bổ 2.203 tỷ đồng để triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình. Nhờ đó, 11 xã khu vực III, 8 xã khu vực II đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới trở thành xã khu vực I, đạt mục tiêu chương trình đề ra. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.

Trong quý III năm 2024, Tuyên Quang đã thu hút được 547.000 lượt khách du lịch, nâng tổng số lượt khách trong 9 tháng đầu năm lên 2.407.000 lượt, đạt 88% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một kết quả ấn tượng, cho thấy nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch hiệu quả. Tổng thu xã hội từ khách du lịch trong quý III đạt 787 tỷ đồng, và trong 9 tháng đạt 3.058 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch.

Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch

Nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Tuyên Quang.

Bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) - cho rằng, việc kết nối giao thương, tăng cường quảng bá sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu là “lực đẩy” góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư để sản phẩm nông sản của Tuyên Quang đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuyên Quang – vùng đất lịch sử hai lần là căn cứ địa cách mạng của cả nước, "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng thế hệ trẻ. Ảnh:C.T

Nhấn mạnh đến yếu tố phát triển bền vững, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Nhà sáng lập Green Nature Nguyễn Thị Minh Hà chỉ ra: Để phát triển bền vững từ gốc, Tuyên Quang cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa để phát triển thương mại, du lịch bền vững.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội - chia sẻ: Tuyên Quang cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ và có các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm tăng cường kết nối, quảng bá và đẩy mạnh giao thương với các địa phương khác. Ngoài ra, địa phương cần khai thác tiềm năng văn hóa - lịch sử song song với công tác bảo tồn để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và Tuyên Quang trong thời gian tới.

Thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường hợp tác, khai thác, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thương mại, làng nghề. Tuyên Quang cam kết sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước, đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.

Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Cầu Hòa Sơn trị giá 540 tỷ đồng nối Bắc Giang với Thái Nguyên chính thức thông xe

Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại

Quảng Ninh: Thành công vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Long An: Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024

TP. Cần Thơ: Vì sao thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng?

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Sắp diễn ra Hội chợ xúc tiến sản phẩm nông nghiệp, OCOP Yên Bái tại Hà Nội

Quảng Ngãi: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại núi Mang Kà Muồng

Điều động Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bắc Ninh bàn giải pháp gỡ khó cho phát triển và quản lý chợ

Bộ Chính trị chuẩn y ông Nguyễn Đức Trung giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024

Bắc Ninh tổ chức gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sóc Trăng khai thác tối đa tiềm năng của Hội chợ OCOP tại Lễ hội Oóc om bóc

Ninh Thuận ‘bắt tay’ cùng TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư

Đại học Đà Nẵng: Gắn kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao