Việt Nam tuyển 1.300 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài |
Tiếc thay, đề tài ấy là có thật và còn hàng trăm đề tài “đẳng cấp” tương tự như vậy đã bảo vệ thành công!
Luận án tiến sĩ là có thật!
Trên trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao cũng giới thiệu về luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" và cho biết nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp viện vào ngày 19/1/2022.
Đề tài luận án trên của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
"Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế" - Nghiên cứu chỉ rõ.
Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh |
Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, gồm: tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu cầu lông; phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào cầu lông cho công chức, viên chức; hoàn thiện hệ thống thi đấu cầu lông cho công chức, viên chức; mở rộng các hình thức tập luyện cầu lông cho công chức, viên chức; khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào cầu lông của công chức, viên chức.
Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15,38% đến 133,33%). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết".
Luận án tiến sĩ này đang được bàn tán xôn xao trên các diễn đàn. Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng luận án tiến sĩ không xứng tầm, không có đóng góp về khoa học cho xã hội.
Tiến sĩ nông nghiệp không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa!
Tình trạng “loạn” đề tài tiến sĩ và quy trình “ấp nở” tiến sĩ đã diễn ra nhiều năm nay. Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.
Chỉ cần vài cú nhấp chuột, cộng đồng mạng không khó để tìm ra hàng chục luận án tiến sĩ vô bổ tương tự. Có thể thấy như đề tài: “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”,"Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", , "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...
Các chuyên gia cho rằng, đây là một tình trạng cần báo động. Bởi gần một nghìn năm khoa cử phong kiến (1075 - 1919), Việt Nam chỉ có tổng cộng 2.896 tiến sĩ, nhưng chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2018 đã có 1.545 người được công nhận học vị này. Tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chỉ tính từ ngày 1/4 đến ngày 14/4/2016, đã có gần 60 học viên bảo vệ xong luận án. Nếu đặt một phép tính cơ học, trung bình 1,76 ngày lại cho ra lò một tiến sĩ.
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra một chi tiết dở khóc dở cười ở chính Viện của mình: có vị, làm tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra thực tế ở ngoài ruộng không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa!