Thứ sáu 02/05/2025 20:54

Từ chiến hào đến ngày toàn thắng: Hồi ức 30/4 của người lính năm xưa

Nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã hồi sinh từ tro tàn chiến tranh, nhưng ký ức về ngày 30/4 lịch sử chưa bao giờ nguôi trong trái tim người lính năm xưa.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa Xuân năm 1975 huyền thoại, song trong trái tim những người lính năm xưa, ngày 30/4 vẫn luôn rực cháy như ngọn lửa bất diệt - ngọn lửa của lòng yêu nước, của niềm tin tất thắng và khát vọng thống nhất non sông.

Hành trình ra trận - bước chân của lý tưởng

Lịch sử có những thời khắc không chỉ ghi dấu trên trang sách, mà còn khắc sâu trong trái tim của cả một thế hệ. Ngày 30/4/1975 - ngày non sông liền một dải - là một trong những thời khắc ấy. Nửa thế kỷ đã trôi qua, tiếng súng đã lặng im, đất nước đã hồi sinh từ tro tàn chiến tranh, nhưng ký ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn chưa bao giờ phai mờ.

Theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm tới nhà của ông Nguyễn Xuân Hòa (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ông Hòa từng là lính lái xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 50 năm.

Ông Nguyễn Xuân Hòa (bìa trái) từng là lính lái xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 50 năm

Nhắc nhớ về trận quyết chiến cuối cùng của quân và dân ta những ngày cuối tháng 4/1975, ông Hòa không khỏi bồi hồi xúc cảm nhớ lại, tháng 5/1972, ông rời quê nhà Vĩnh Phúc lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Hoàn thành 3 tháng huấn luyện kỹ thuật lái xe tăng tại Binh chủng tăng thiết giáp, ông cùng đồng đội nhận phương tiện, củng cố trang bị rồi hành quân thẳng tiến vào chiến trường miền Nam.

Tại đây, ông Hòa được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3; trực tiếp góp mặt trong các trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, Pleiku... Đêm 28 rạng sáng 29/4/1975, Tiểu đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273 theo hướng quốc lộ 1 và 15 thẳng tiến vào Sài Gòn rồi đánh vào căn cứ huấn luyện Quang Trung, tiến đến Bộ Tổng tham mưu ngụy và Sân bay Tân Sơn Nhất.

“Khi vào đến ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của tôi bị trúng đạn, đứt dây xích không thể di chuyển nữa; đồng chí Hà Văn Sầu-pháo thủ số 2 hy sinh ngay trên xe. Chúng tôi nén đau thương, bàn giao thi thể đồng chí Sầu cho lực lượng bộ binh chuyển về tuyến sau rồi xuống xe cầm súng tiếp tục chiến đấu. Lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và lệnh cho toàn bộ lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ súng là thời khắc mà cả đời này tôi không thể nào quên" - ông Hoà hồi tưởng.

Ông Lưu Ngọc Đang (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) từng hoạt động trong Tiểu đoàn Hỏa lực 24 thuộc Sư đoàn 8 (Quân khu 9) nhớ lại: Khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, anh em ôm nhau khóc. Thế nhưng, trong niềm hân hoan mừng ngày toàn thắng, chúng tôi chợt nhìn nhau rồi lặng lẽ khóc, bởi không ít đồng đội ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn, không thể chứng kiến thời khắc giải phóng dẫu chỉ cách đó có vài giờ.

Khi người lính trở về

Sau chiến thắng, hàng triệu người lính trở về đời thường. Họ trở lại với nương rẫy, xưởng máy, bục giảng, nhưng trong tim vẫn còn vẹn nguyên ký ức của một thời máu lửa.

Ông Nguyễn Hải Khăng (77 tuổi) hiện đang sinh sống cùng gia đình tại thôn 8 (xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Hàng ngày, ông chăm sóc vườn cây, thi thoảng tham gia kể chuyện truyền thống cho trẻ em trong làng.

“Thế hệ trẻ bây giờ cần hiểu những gì cha anh họ đã trải qua để có được hôm nay. Hòa bình không tự đến, mà phải đổi bằng xương máu" - ông Khăng mở đầu câu chuyện rồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày không thể nào quên.

Tương tự, sau khi trở về từ chiến trường, ông Nguyễn Phong Hoa (70 tuổi, trú tại thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) - người lính Tiểu đoàn 1201 (Trung đoàn 567, Sư đoàn 325), đã tích cực phát triển kinh tế và tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng.

Ký ức về ngày 30/4 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính

Ông Hoa nhớ lại, đầu tháng 4/1975, ông cùng đồng đội nhận lệnh khẩn cấp vào thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam. “Nhiệm vụ của chúng tôi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là đi sau Quân Giải phóng để bảo vệ các vị trí do quân ta vừa đánh chiếm, không để địch tái chiếm; truy bắt tàn quân và phối hợp với lực lượng khác quản lý, cải tạo các đối tượng nguỵ quân, nguỵ quyền tại căn cứ Long Giao, tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Đồng thời, sẵn sàng phục vụ Quân Giải phóng khi có mệnh lệnh" - ông Hoa chia sẻ.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Hoa được biên chế về Trung đoàn 316 (Binh đoàn 23, Quân khu 7). Sau đó, ông phục viên mang quân hàm thượng sĩ và trở về Hải Dương sinh sống. Đến năm 1996, ông cùng gia đình vào xã Yang Trung xây dựng kinh tế mới. Cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức. Từ năm 2014 đến nay, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Trung.

Ông tích cực vận động hội viên phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và tham gia lao động sản xuất. Mới đây, ông đã thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã Yang Trung. Ông cũng thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho người dân, các cháu học sinh trên địa bàn xã về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Không những ông Khăng, ông Hoa mà còn rất nhiều cựu binh đã lặng lẽ dựng xây quê hương sau chiến tranh. Họ không đòi hỏi vinh danh, họ sống giản dị, hòa mình vào dòng chảy đất nước, như chính tinh thần người lính Cụ Hồ.

Ký ức không phai mờ, những người lính trở về mang theo hòa bình và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ để tiếp tục dụng xây đất nước.
Bài và ảnh: Hiền Mai
Bài viết cùng chủ đề: Ngày Giải Phóng Miền Nam

Tin cùng chuyên mục

Từ lời nhắn của người lính đến trách nhiệm viết tiếp 'câu chuyện hòa bình' của thế hệ trẻ

Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 3: Từ 'mạch máu' thép đến 'huyết quản' số

Thời tiết hôm nay 2/5: Hà Nội đêm mưa, ngày nắng

Thời tiết biển hôm nay 2/5/2025: Hầu hết vùng biển mưa, dông

Về Bảo tàng Lịch sử Quân sự, cùng dòng người ngược dấu xưa

Rộn ràng sắc màu ngày 1/5 trên khắp phố phường Hà Nội

Trải nghiệm mới tại Công viên Thống nhất dịp nghỉ lễ

Số hóa đất đai, quy hoạch: Đòn bẩy đổi mới nông thôn

Công nhân sáng tạo: Nền móng cho phát triển trong kỷ nguyên mới

Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 2: Hòa nhịp cùng đất nước

Học giả Nguyễn Đình Đầu: Người tận hiến cho dân tộc và lịch sử nước nhà

Thời tiết hôm nay 1/5: Bắc Trung Bộ có mưa rào

Thời tiết biển hôm nay 1/5/2025: Biển Đông có mưa và dông

Nụ hôn 30/4 và Việt Nam trong mắt du khách quốc tế sau 50 năm thống nhất

Kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập sau 50 năm: Khoảnh khắc và cuộc đời

Đại tá dẫn đầu phi đội Su30-MK2 tiết lộ thông điệp bầy chim sắt ‘viết lên trời xanh”

TP. Hồ Chí Minh: Cầu Ba Son lung linh trong dịp lễ 30/4

Có một Hà Nội 30/4 rực màu cờ đỏ - màu hoa khát vọng thành phố vì hoà bình!

Hiệu quả công tác điều hành giao thông dịp lễ 30/4

Thăm nơi Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch giải phóng miền Nam