Đây là khu vực có địa hình rừng núi hiểm trở, là tâm điểm gánh chịu nhiều thiên tai lụt bão, là nơi có cường độ mưa lớn kéo dài trong năm, vùng núi có độ dốc cao rất dễ xảy ra lũ quét, địa phương có hệ thống sông ngắn, dốc, lũ lên nhanh, thường gây ngập lụt trên diện rộng, gây ra sự cố, làm hư hỏng thiết bị, đứt dây.
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam - cho biết: với phương châm chủ động, chuẩn bị ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó lụt bão, ngay từ đầu năm 2015, TTĐQN đã thành lập 8 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) các cấp và 7 Đội xung kích PCLB tại các đơn vị trực thuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Ban PCLB để thường xuyên theo dõi sát sao, chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCLB. Chỉ đạo các Đội, Trạm phối hợp với địa phương và đơn vị bạn tổ chức các đợt diễn tập PCLB với những phương án sát với tình hình thực tế của đơn vị. Để bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải điện, ngoài các kiểm tra kỹ thuật, TTĐQN đã đẩy mạnh kiểm tra tuyến, đặc biệt là các vị trí xung yếu, tổ chức chặt cây cao ngoài hành lang tuyến có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, nạo vét mương, bổ sung rọ đá, xử lý dứt điểm các tồn tại có thể gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện khi xảy ra bão lụt.
Để công tác PCLB đạt hiệu quả cao nhất, TTĐQN đã chú trọng phương châm nhất quán 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Phương châm này được thiết lập cụ thể đến các đơn vị, tránh tình trạng chung chung. Đồng thời, củng cố hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến cũng như hữu tuyến, rà soát lập, bổ sung đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết cho công tác PCLB. Mặt khác, TTĐQN đã lập phương án phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành điện nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của Ban PCLB các địa phương để sẵn sàng tham gia xử lý các sự cố khi bão lụt xảy ra.