CôngThương - Trưng bày giới thiệu 5 nội dung chính: Đặc trưng của VHĐS, chức năng của VHĐS, kỹ thuật chế tác đồ đồng VHĐS, các sưu tập hiện vật VHĐS và VHĐS ở Malaysia.
VHĐS là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở VN, được các nhà khảo cổ học đặt tên từ sự phát hiện một nhóm hiện vật đồng vào năm 1924 tại làng cổ Đông Sơn ở ven sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Năm 1934, thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” được học giả R.Heine Geldern đặt tên sau khi nhận thấy mối liên hệ giữa nhóm hiện vật phát hiện tại đây với những đồ đồng được thu thập lẻ tẻ trước đó.
Trải qua quá trình nghiên cứu, diện mạo VHĐS đã ngày càng được làm sáng tỏ. Địa bàn phân bố của VHĐS về cơ bản trùng với khu vực miền Bắc VN hiện nay, kéo dài từ biên giới phía Bắc tới đèo Ngang (giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình), tập trung chủ yếu tại lưu vực 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Lam.
Đồng thời, quá trình phát triển từ các nền văn hóa Tiền Đông Sơn lên Đông Sơn đã được xác lập. Ở lưu vực sông Hồng là phổ hệ các nền văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Tại lưu vực sông Mã là phổ hệ: Cồn Chân Tiên - Bái Man - Quỳ Chử - Đông Sơn. Còn tại lưu vực sông Lam, phổ hệ thời đại kim khí cũng được chắp nối: Đền Đồi – Rú Cật – Rú Trăn – Làng Vạc.
Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu VHĐS (1924-2014) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Trưng bày mở cửa đến hết ngày 5.5.