Triển vọng tăng trưởng kinh tế nhìn từ chỉ số PMI
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng từ mốc 48,9 điểm vào tháng 12/2023 lên mức 50,3 điểm và 50,4 điểm vào tháng 1 và tháng 2/2024. Tuy nhiên, tháng 3/2024, chỉ số này lại giảm xuống mốc 49,9 điểm.
Bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới |
Trong báo cáo Điểm lại, cập nhật kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 4/2024 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, tổ chức này cho rằng, Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam vẫn chỉ xoay quanh mốc 50 điểm, đây là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc.
Còn theo nhận định của bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới: Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam xoay quanh mốc 50 điểm cho thấy sự bất định trong ngắn hạn, chủ yếu liên quan đến diễn biến của hoạt động xuất khẩu chưa có nhiều khởi sắc, cho thấy xuất hiện sự hứa hẹn nhất định cho hoạt động xuất khẩu nhưng phục hồi còn chậm và thiếu sự đồng đều ở một số tiểu ngành.
“Ví dụ, ngành vi tính thì tích cực, nhưng một số ngành chế biến chế tạo như da giày chưa thể phục hồi” – bà Dorsati Madani thông tin thêm.
Cũng nhận định về Chỉ số PMI, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: PMI là chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ, trong năm 2023 Việt Nam chỉ có tháng 3 và 8 có chỉ số PMI lên mốc trên 50 điểm, các tháng còn lại đều xuống dưới mốc 50 điểm. Sang năm 2024, tháng 1 và 2 chỉ số PMI lên mốc trên 50 điểm, nhưng tháng 3 đã giảm thấp hơn 50 điểm. Như vậy cho thấy báo hiệu sự thu hẹp của hoạt động sản xuất.
Trước đó, S&P Global cũng công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2024. Theo báo cáo, sau khi cải thiện nhẹ trong hai tháng đầu năm, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam hầu như không thay đổi trong tháng 3/2024. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi tình trạng nhu cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm. Với kết quả 49,9 điểm, báo cáo này cho rằng chỉ số đã báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ cải thiện điều kiện kinh doanh kéo dài 2 tháng đầu năm.
Chỉ số PMI năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 |
Có một số dấu hiệu cũng cho thấy, nhu cầu yếu trong tháng 3/2024, từ đó số lượng đơn đặt hàng mới giảm mặc dù giá hàng hóa đã được chiết khấu để giúp tăng doanh số. “Khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty đã giảm sản lượng vào cuối quý I của năm sau khi tăng trong tháng 1 và tháng 2. Tuy nhiên, mức giảm của sản lượng là nhỏ, và chỉ giới hạn trong các công ty sản xuất hàng hóa trung gian, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản vẫn ghi nhận tăng trưởng”, báo cáo của S&P Global phân tích.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức 5,5% và tăng lên mức 6% trong năm 2025. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường, nhưng mức tăng trưởng này vẫn chưa được khôi phục như thời điểm trước Covid-19 với mức tăng trưởng lên đến 6-7%. Đặc biệt, các động lực tăng trưởng là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn chưa có sự phục hồi chắc chắn.
Về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng trưởng toàn cầu tăng 2,6% vào năm 2023 và giảm xuống mức 2,4% vào năm 2024, sau đó nhích lên mức 2,7% vào năm 2025. Trong khi đó, tăng trưởng Hoa Kỳ dự báo đạt 2,3% vào năm 2024, thấp hơn mức 2,4% vào năm 2023 sau đó đạt 1,7% vào năm 2025. EU dự báo sẽ phục hồi dần lên mức 0,7% vào năm 2024 và 1,5% vào 2025.
Bà Dorsati Madani cho rằng, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, 3 nền kinh tế này vẫn được dự báo chưa có nhiều sự khởi sắc trong năm 2024, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ số PMI giảm xuống 49,9 điểm vào tháng 3/2024 sau 2 tháng liên tiếp tăng lên mốc trên 50 điểm |
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra gợi ý, các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần hiệu chỉnh phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công để phục hồi kinh tế trong ngắn hạn là vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, đầu tư công phải chú trọng vào những dự án có tác động lan toả đến tăng trưởng, ví dụ hạ tầng giao thông, logistics, những dự án này sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi trong dài hạn.
Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, muốn đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đổi mới công nghệ và tập trung khởi nghiệp, nhằm tạo ra 1 hệ sinh thái thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.