Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu, bộ kít test virus SARS-CoV-2 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để sản xuất hàng loạt tại Việt Nam.
Các nhà khoa học Viện nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) tách mẫu sinh phẩm để xác định virus SARS-CoV-2. |
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và các ngành kinh - tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc tài trợ không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp mà giải quyết yêu cầu cấp bách của xã hội nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Điều này cho thấy hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã mở rộng, không chỉ các đơn vị nghiên cứu Nhà nước mà có sự tham gia của đơn vị nghiên cứu tư nhân, sự tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ.
Cùng với đó, nhằm khẩn trương đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, kịp thời chia sẻ với ngành Y tế và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tiến hành pha chế dung dịch rửa tay khô theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trung tâm đã lắp đặt và triển khai chế tạo dung dịch sát khuẩn chứa nano Ag. Thiết bị chế tạo nano Ag bằng phương pháp điện cực tan, với công suất hiện tại cho phép chế tạo 200 lít/ngày dung dịch sát khuẩn chứa hạt nano Ag có kích thước trung bình từ 35-45 nm, có khả năng kháng khuẩn cao ở nồng độ từ 20 ppm. Dung dịch không chứa nitrat, không chứa borat sẽ được đăng ký chất lượng để đưa vào phục vụ cộng đồng trong thời gian sớm nhất để phòng chống dịch. 100 lít dung dịch rửa tay khô đầu tiên được tặng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Viện Ứng dụng Công nghệ đã nghiên cứu và làm chủ những công nghệ mới, hiện đại đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Viện đã nghiên cứu công nghệ lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt tự động không tiếp xúc giúp cảnh báo, phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. Theo đó, hệ thống có thể tự động đo thân nhiệt mà không cần người vận hành với tốc độ đo nhanh và đưa ra cảnh báo màu sắc nếu người đo có nhiệt độ vượt ngưỡng cảnh báo. Hệ thống sử dụng camera ảnh nhiệt của hãng Flir làm đầu đo, nguyên lý camera ảnh nhiệt là đo nhiệt độ bằng bức xạ hồng ngoại (Infrared thermography). Tia hồng ngoại là sóng ánh sáng bước sóng từ 0,76 µm đến vài mm. Camera ảnh nhiệt lắp đặt trong hệ thống cảnh báo phát hiện sớm người nghi mắc COVID-19 có độ phân giải 320x240 pixel cho ra hình ảnh quan sát có chất lượng rõ nét.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng.