Thứ sáu 22/11/2024 15:19

Trang mới của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Công Thương, sau hơn 10 năm “đắp chiếu” dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức hồi sinh.

Nỗ lực vượt khó

Sau hơn 10 năm vượt khó, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chính thức khánh thành vào ngày 27/4 trước sự vui mừng khôn xiết của tập thể cán bộ công nhân nhà máy nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thành quả này cũng minh chứng cho sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vương mắc để Nhà máy sớm hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Còn nhớ, năm 2011, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018 với bao kỳ vọng của chính quyền và nhân dân địa phương về hiệu quả kinh tế xã hội như đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách tỉnh khi nhà máy đi vào hoạt động; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Thế nhưng, với nhiều khúc mắc về nguồn vốn, kỹ thuật, cũng như những sai phạm cá nhân của một số cán bộ trong tập đoàn PVN/dự án dẫn tới tiến độ bị đình hoãn nhiều lần. Thậm chí dự án trở thành tâm điểm của dư luận ở nhiều thời điểm khác nhau. Bởi lẽ khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước bị phơi mưa phơi nắng, bào mòn qua thời gian hàng nhiều năm trời mà không tìm được lối ra.

Và, cái tên Nhiệt điện Thái Bình 2 gợi liên tưởng về sự trì trệ, bế tắc, khó trăm bề, mà khó nhất là những vấn đề liên quan đến pháp lý và vốn.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức hoàn thành

Trăn trở, xót xa với dự án, Bộ Công Thương đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, đồng thời sát cánh cùng PVN trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm đưa Dự án về đích như kế hoạch.

Năm 2018, một mặt vừa xử lý những tồn đọng, PVN thay tướng công trường, hỗ trợ tối đa cho việc thi công dự án. Đến thời điểm đó, tiến độ tổng thể Dự án đạt hơn 83% trong đó công tác thiết kế đạt 99,54%; công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 91,5%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của NMNĐ Thái Bình 2 đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Đặc biệt, về công tác chuẩn bị phát điện, Dự án đã hoàn tất các hạng mục công việc liên quan đến công tác đóng điện ngược Sân phân phối (SPP) 220kV và vận hành SPP 220kV ổn định, an toàn. Hoàn thành quy trình phối hợp vận hành giữa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (của EVN) và NMNĐ Thái Bình 2.

Những tưởng, mọi thứ thuận lợi sẽ "theo chiều gió bay lên" nhưng niềm vui không tày gang, đại dịch Covid-19 bùng phát, khó khăn thêm chồng chất. Việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử; việc cung cấp nhân lực, vật tư... bị đình trệ, ách tắc. Rồi giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, phát sinh các chi phí. Một số hạng mục đã xây dựng, lắp đặt được hơn 90%, nhưng không thể hoàn thiện, do thiếu kinh phí, thiết bị. Những người chịu trách nhiệm triển khai như ngồi trên đống lửa.

Tuy nhiên, với mục tiêu không để thất thoát tài sản Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng vào cuộc, sát cánh, đồng hành cùng PVN tổ chức hàng chục cuộc họp; tham mưu đề xuất các phương án giải quyết trên cơ sở các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo kịp thời

Từ các báo cáo của PVN/Bộ Công Thương, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra. Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt cuộc thị sát, trực tiếp kiểm tra, làm việc, giao ban tại công trường dự án, trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc của dự án.

Với mục tiêu hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đảm bảo chất lượng với tiến độ vào cuối năm 2022, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã đến kiểm tra, động viên người lao động. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống công trường, chỉ đạo, xử lý nóng từng vướng mắc, cơ chế, chính sách, tạo niềm tin và trên hết là kịp thời động viên người lao động tại Dự án.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, hàng tuần, PVN đều có báo cáo cập nhật tình hình triển khai, thi công tại Dự án để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Trong khi đó, với vai trò của mình, người đứng đầu ngành Công Thương và lãnh đạo Bộ đã trực tiếp, nhiều lần xuống thăm, động viên cán bộ, người lao động của nhà máy.

Trong các chương trình đến kiểm tra và làm việc với dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời nhận định: “Nếu kéo dài tình trạng chậm tiến độ thì thiệt hại của Dự án không thể tính được, không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chính trị, xã hội”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, đề xuất phương án, tổng hợp báo cáo để Bộ báo cáo thường trực Chính phủ. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho PVN/Ban quản lý dự án triển khai thi công nhà máy.

Cùng vào cuộc với Chính phủ, Bộ ngành, từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và lãnh đạo của PVN cũng coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Tập đoàn; thường xuyên kiểm tra tiến độ tại công trường và động viên người lao động.

Chính sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã tạo động lực, niềm tin cho tập thể lãnh đạo, người lao động PVN củng cố quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa Dự án vào guồng một cách nhanh chóng.

Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Cuối năm 2022, những tin vui dồn dập báo về, tiến độ tổng thể của dự án đạt 97,48%. Trong đó công tác thiết kế đạt gần 100%, mua sắm đạt gần 100% (không bao gồm mua sắm vật tư để thay thế phần bị hỏng), thi công xây lắp đạt khoảng 99,73%, đào tạo đã hoàn thành và chạy thử đạt khoảng 66,5%.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên dự án đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Đối với tổ máy số 1 thì ngày 23-2-2022 đốt dầu lần đầu, ngày 12-5-2022 hòa đồng bộ bằng dầu, ngày 16-6-2022 đốt than lần đầu và ngày 16-11-2022 đã nâng tải thành công lên 600MW.

Đối với tổ máy số 2 đã hòa lưới ngày 7-1-2022 và hiệu chỉnh vòi đốt, máy nghiền, lò hơi... xử lý các tồn tại bắt đầu chạy lại vào ngày 25-12-2022 để thực hiện các thử nghiệm...

Theo báo cáo từ PVN, doanh thu bán điện trong giai đoạn chạy thử tính đến 0h ngày 14-12-2022, sản lượng điện chạy thử đã phát điện lên lưới điện quốc gia là 199 triệu kWh.

Dự kiến sản lượng điện chạy thử đạt được năm 2022 là 458,900 triệu kWh. Doanh thu bán điện trong giai đoạn chạy thử dự kiến năm 2022 đạt khoảng 546,31 tỉ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư Phòng Điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trang mới cho Nhiệt điện Thái Bình 2

Ngày 27/4, Nhà máy đã chính thức khánh thành sau bao trăn trở, lo lắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Cùng với ánh điện rực sáng những gương mặt người thợ nơi đây như bừng sáng, những nỗ lực, những gian nan vất vả đã đem lại những “trái ngọt”. Mỗi người thợ, người cán bộ của dự án Nhà máy, của Tập đoàn PVN tự hào đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình để “làm sống lại” một dự án tưởng chừng không thể cứu vãn.

"Việc khánh thành Dự án hôm nay thể hiện thành quả ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, của Tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Thủ tướng cũng đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của PVN, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.

Trước hết, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết; nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng khách quan, không đội vốn, không mất cán bộ, không lãng phí; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nhất là trong lúc khó khăn.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; luôn đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược; nhất quán, xuyên suốt, kịp thời; không chủ quan, lơ là...; chủ động ứng phó linh hoạt với những diễn biến phát sinh; thực sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tinh thần đổi mới, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường.

Trong tổ chức thực hiện phải đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; công tác phối hợp; tổ chức triển khai khoa học, chuyên nghiệp...

Cùng với đó, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không thoái thác; nâng cao chất lượng phối hợp công tác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, huy động hiệu quả mọi nguồn lực đất nước; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài; phát huy sức mạnh tổng hợp...

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu PVN cần rà soát lại toàn bộ công việc của nhà máy theo đúng tiêu chuẩn, quy trình, tiêu chí của một nhà máy hiện đại theo quy định của pháp luật, bảo đảm vận hành an toàn, môi trường cho nhà máy và người dân chung quanh; vận hành an toàn nhưng phải bảo đảm công suất đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng; tổ chức vận hành quản trị nhà máy theo tiêu chuẩn tiên tiến, áp dụng chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, giảm giá thành.

Với quy mô tổng diện tích 131,74 ha, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW - là dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VII và Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm nhà máy Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kW giờ lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.
Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch: Nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện