Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vốn đang diễn biến phức tạp.
Liên tục trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng lậu với quy mô lớn và thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9/7, Ban Chỉ đạo 389 phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) kiểm tra 4 điểm kinh doanh và chứa trữ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại ngoại nhập của Công ty Huyền Trang và Công ty Linh Trang (quận 1 và Bình Chánh).
Lực lượng kiểm tra đã thu giữ hàng tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại như: sữa ong chúa, colagen, các loại vitamin, thuốc giảm béo, mỹ phẩm chăm sóc tóc, chăm sóc da, dùng trong phun xăm thẩm mỹ với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Channel, Estee lauder, Sasaki, Hikato, Puroz,…
Trên nhãn các loại sản phẩm thể hiện xuất xứ: Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc… và rất nhiều chai lọ tem, nhãn,... mỹ phẩm mang tên các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, đại diện hai công ty này không xuất trình được các loại giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên.
Theo điều tra bước đầu, số hàng bị thu giữ đa phần là hàng sản xuất tại Trung Quốc, một số sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu Trung Quốc. Các loại mỹ phẩm và nguyên liệu này nhập lậu vào Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc, sau đó vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để thay đổi bao bì, nhãn mác thành các nhãn hiệu nổi tiếng của các nước để phân phối đi các tỉnh tiêu thụ.
Kiểm tra Công ty TNHH ĐT - TM - XNK Bảo Khang (quận Gò Vấp), Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh và tổ công tác đặc biệt 113 - Tổng cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã thu giữ 77 thùng các tông các loại nhãn mác, vỏ hộp, thực phẩm chức năng giả với hơn 10 nhãn hiệu nổi tiếng xuất xứ từ Mỹ.
Kiểm tra 3 căn nhà tại quận 7, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an phía Nam phối hợp với Công an quận 7 thu giữ gần 500 thùng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, Eva, Best, cà phê xanh nâu, Eva, Lisu hồng, 3Days... Nguyên liệu dùng để sản xuất các loại thực phẩm chức năng giả trên một phần có xuất xứ Trung Quốc, một phần mua trôi nổi không rõ nguồn gốc...
Trên thực tế Công ty Bảo Khang chỉ mua bán thực phẩm chức năng chính hãng của Công ty ECO (đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm thực phẩm chức năng hiệu LIC), nhưng số lượng không nhiều.
Phần lớn hoạt động của công ty này là copy các mẫu thực phẩm chức năng đang hút khách trên thị trường, sau đó đặt hàng để sản xuất giả tại Trung Quốc với giá rẻ mạt, rồi nhập lậu về đóng gói tại Công ty, phân phối ra thị trường.
Công ty Bảo Khang đã lừa người tiêu dùng bằng cách, trên các sản phẩm giả đều có đầy đủ tem chống giả của Bộ Công an, tem xác thực hàng hóa theo chỉ đạo chống hàng giả Trung ương, giả mạo kiểm nghiệm lâm sàng và đạt tiêu chuẩn GMP - USA về y tế thế giới, được Bộ Y tế Việt Nam kiểm nghiệm chất lượng và cấp giấy phép lưu hành trong toàn quốc.
Ngoài ra, Công ty không hề đăng ký nội dung nào liên quan đến lĩnh vực dược, nhưng đã tự xưng “Dược Bảo Khang” và quảng bá các loại thực phẩm chức năng trong tài liệu quảng cáo của công ty, trên website “siêu thị Bảo Khang”... với đội ngũ tư vấn là các dược sĩ, bác sĩ.
Đại diện cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh nhận xét, phần lớn các Công ty kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng thường vi phạm các nội dung: Quảng cáo quá sự thật, sai nội dung đăng ký đã kiểm duyệt, sai thành phần cấu tạo... và đặc biệt là việc quảng cáo lập lờ khiến người tiêu dùng dễ nhầm tưởng thực phẩm chức năng có khả năng chữa bệnh như thuốc, trong khi nó chỉ là thực phẩm.