Thứ ba 24/12/2024 01:13

Trải qua 28 năm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống

Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, bảo hiểm xã hội,bảo y tế ngày càng đi vào cuộc sống.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập ngành (16/2/1995-16/2/2023), Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chia sẻ về chặng đường 28 năm tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với nhiều trọng trách nhưng cũng không ít vinh dự, tự hào.

Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc

“Bước ngoặt” của việc thành lập ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân dân ở nước ta có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Sự ra đời của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một xu thế tất yếu. Từ năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành quỹ Bảo hiểm xã hội tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động, được Nhà nước bảo hộ.

Ngày 26/1/1995, Chính phủ đã có Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội quy định thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách bảo hiểm xã hội với việc triển khai thống nhất bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong mọi thành phần kinh tế thay vì chỉ “gói gọn” trong khối cơ quan nhà nước như trước đây.

Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/2/1995 thành lập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Có thể nói, sự ra đời của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Đến ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ngày 6/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, địa vị pháp lý của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại Luật Bảo hiểm Xã hội 2014. Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 tăng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội được thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Đến nay, Tổng giám đốc có thể chia sẻ cụ thể về một số thành tựu nổi bật mà ngành bảo hiểm xã hội đã đạt được trong 28 năm qua?

Phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. 28 năm các chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, cụ thể như.

Thứ nhất, chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở rộng phạm vi bao phủ, quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Thứ hai, công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán.

Thứ ba, công tác phát triển người tham gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần; số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Thứ tư, công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được ngành thực hiện kịp thời, đúng quy định. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, toàn ngành đã giải quyết cho khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết cho gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khoảng 3,3 triệu người; từ năm 2003 - 2022, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.368 triệu lượt người.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm của người dân và người lao động, 3 năm qua (từ năm 2020 - 2022), ngành đã tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng (trong đó, có 99,3% người nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Thứ năm, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Thứ sáu, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành được đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã mang lại lợi ích lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách. Ông có đánh giá cụ thể nào về những thay đổi mang tính “đột phá” này?

Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặc biệt coi trọng và đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đến nay ngành đã cắt giảm từ 263 thủ tục hành chính (năm 2009) xuống chỉ còn 25 thủ tục hành chính, với 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ.

Hiện tại, gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội mọi lúc mọi nơi; thực hiện chi trả lương hưu, chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM của hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám chữa bệnh...

Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành liên tục được làm giàu, cập nhật với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám chữ bệnh; có khoảng 620 nghìn đơn vị đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương…

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 72,3 triệu lượt thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12,2 nghìn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, với hơn 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được triển khai tích cực, theo đó, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, xác nhận quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 58,3 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 134,8 nghìn lượt giao dịch gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện thành công; tiếp nhận và giải quyết 10.607 hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng thông quan 2 dịch vụ công liên thông.

Có thể thấy, các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị. Bên cạnh đó, với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với các Bộ, ngành. Đây cũng là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.

Công tác chuyển đổi số của ngành đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tập trung những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Để tiếp tục thực hiện thành công các kế hoạch dài hạn và bền vững hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân toàn dân, chúng tôi xác định các giải pháp theo định hướng “kiến tạo” phải được toàn ngành triển khai với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện.

Thứ nhất, ngành tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo các lộ trình đến năm 2025, 2030); tổ chức thực hiện có hiệu quả các Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn - Vệ sinh lao động,…

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm thất nghiệp; Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về chính sách cho người tham gia.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thứ năm, tiếp tục tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các thủ thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng ng công nghệ thông tin trong các quy trình nghiệp vụ để thực hiện chính sách đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân… Thứ sáu, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ công chức viên chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu. Thứ tám, nắm chắc, theo sát tình hình thực tế, nhất là các vấn đề phát sinh gây khó khăn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội của người dân, hoạt động của doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xử lý kịp thời các vướng mắc; hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người người lao động, doanh nghiệp theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/12/2024: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực