EPR được coi là một cơ chế hiệu quả, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu. Tại Việt Nam, khái niệm này cũng đã được thể chế hoá trong Chương quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu là quy định EPR tại Chương VII dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Thách thức của các doanh nghiệp
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các trách nhiệm mở rộng. Tại Tọa đàm Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Công cụ thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế xanh và bền vững do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 14/10, bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phụ trách phát triển bền vững Heineken Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp này có tham vọng rất lớn trong các mục tiêu bền vững. Không chỉ dừng lại ở tái chế, tái sử dụng các sản phẩm bao bì, Heineken hướng đến sử dụng 100% nguồn năng lượng tái chế trong sản xuất vào năm 2025. Tuy nhiên, thách thức đặt ra chính là các vấn đề chính sách.
![]() |
“Cơ chế EPR tiếp tục trì hoãn, rất khó cho doanh nghiệp có thể thực thi hoặc thực hiện những vấn đề kinh tế tuần hoàn. Đối với các doanh nghiệp đi tiên phong luôn gặp các khó khăn về mặt chính sách” - bà Mỹ cho biết.
Đồng ý với bà Mỹ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững, Coca-Cola Việt Nam cũng đã chỉ ra 4 thách thức đối với doanh nghiệp khi thực hiện các trách nhiệm với môi trường và xã hội. Theo đó, thứ nhất, các doanh nghiệp đang gặp khó khi phải đồng bộ về tuần hoàn tài nguyên như liên quan đến thiết kế sản phẩm. EPR đòi hỏi các doanh nghiệp phải đồng bộ về thiết kế, hình dáng, chất liệu để dễ dàng thu gom, tái chế. Thách thức thứ 2 là thách thức về thu gom, đặc biệt là thu gom rác thải nhựa. Thứ 3 là các thách thức về tái chế, công nghệ tái chế ở Việt Nam chưa phát triển và thực hiện chủ yếu ở một số làng nghề với công nghệ chưa hiện đại. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng và vòng đời của sản phẩm sau tái chế. Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong vấn đề cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin. Việc kết nối giữa thông tin nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà sử dụng bao bì vẫn còn rất thiếu. Do đó, việc luân chuyển sản phẩm bao bì, nguyên liệu để phục vụ sản xuất đã trở thành một thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Cần hoàn thiện mô hình EPR
Từ góc độ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Fausto Tazzi - Tổng giám đốc Công ty La Vie, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam - cho biết: “Để có một cơ chế EPR thực sự hiệu quả, cần xây dựng được chuỗi logistics bao bì (từ lúc bao bì được sản xuất cho đến giai đoạn sau sử dụng) với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, đơn vị thu gom rác thải và doanh nghiệp tái chế. Một khi chuỗi này được kiểm soát tốt, sẽ đảm bảo chất lượng rác thải, từ đó bao bì sau sử dụng mới có thể trở thành nguyên liệu có giá trị cao, tiếp tục quay trở lại vòng sản xuất thay vì thải ra môi trường, tạo nên một mô hình kinh tế tuần hoàn.”
Ông cũng khẳng định: “Hệ thống EPR cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan, nên cũng sẽ đặt ra thách thức lớn cho La Vie cũng như các doanh nghiệp khác khi thực hiện. Vì thế, chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR và đưa ra các quy định rõ ràng. Đồng thời, thực hiện vai trò “trọng tài” cũng như kiểm toán để tránh các ưu đãi lẫn chế tài không chính đáng đối với một số nguyên liệu sản xuất, đảm bảo sự nhất quán từ trung ương đến cấp địa phương. Đây là những điều kiện cần thiết để hệ thống EPR có thể hoạt động tốt.”
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cũng đưa ra các kiến nghị đối với mô hình EPR tại Việt Nam. Bà cho rằng, đối tượng và lộ trình thực hiện EPR cần được xem xét và áp dụng phù hợp đối với từng sản phẩm. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các bên liên quan trong mô hình EPR. Mặt khác, cần có cơ sở khoa học bằng thực nghiệm để xác định các tỉ lệ thu hồi, tái chế bắt buộc cho sát với thực tiễn thu gom ở Việt Nam.