Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan rất cao
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngày 29/4, TP. Hồ Chí Minh xác nhận 1 mắc Covid-19 trong cộng đồng (bệnh nhân 2.910), là F1 của bệnh nhân 2.899 tại Hà Nam, vào TP. Hồ Chí Minh ngày 27/4 và lưu trú tại phòng đầu tiên trong dãy nhà trọ số 20 Phạm Đăng Giảng, khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Đến nay, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 40 mẫu F1 và 74 mẫu F2 và tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: Sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố |
Đến ngày 4/5, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1 mắc Covid-19, là thuyền viên tàu MD SUN đang neo tại Bến phao Phước Long 5, hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh. Xét nghiệm lần 1 có kết quả dương tính (bệnh nhân 3.008). Tiếp tục xét nghiệm 18 thuyền viên trên tàu, phát hiện 2 trường hợp dương tính (bệnh nhân 3.124 và 3.125); 16 thuyền viên còn lại và 74 người tiếp xúc với tàu trong quá trình vào bến, neo đậu, chuyển hàng... đều có kết quả âm tính.
Liên quan đến những ca mắc Covid-19 trên tàu MD SUN, đến nay chưa phát hiện lây nhiễm ra cộng đồng nhưng với số lượng lớn người xuống tàu và làm việc với thuyền viên, trong khi thuyền viên từ nước ngoài trở về không lên bờ nên không được xét nghiệm cũng như do đặc thù công việc, những người xuống tàu cũng không sử dụng trang phục phòng hộ nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không nhỏ. Bên cạnh đó, việc tàu MD SUN neo đậu giữa sông nhiều ngày cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp, mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.
Đáng chú ý, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cũng vừa phát đi thông báo, hiện HCDC đang điều tra, truy vết một ca bệnh mắc Covid-19 ở Đà Nẵng mắc Covid-19 từng có lịch trình di chuyển dày đặc tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 30/4 đến ngày 4/5.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, mặc dù TP. Hồ Chí Minh không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021 đến nay, song nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan rất cao, do thành phố là trung tâm giao thương, kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, sau dịp lễ 30/4 - 1/5, số lượng người dân trở về TP. Hồ Chí Minh rất lớn, không tránh khỏi khả năng xâm nhập từ các ổ dịch trong nước. Ngoài ra, có nhiều khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố, nên dễ lây chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly tập trung…
Sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân TP. Hồ Chí Minh trong bảo vệ kết quả phòng chống dịch bệnh thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp và con số ca mắc Covid-19 có thể sẽ tiếp tục tăng trong nước, các nhóm nguy cơ lây nhiễm có thể xâm nhập dịch bệnh vào thành phố bất cứ lúc nào. Do đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ các nhóm nguy cơ là điều rất cần thiết.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh - thông tin về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn thành phố |
Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trên cơ sở các nhóm nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào thành phố đã được nhận định, các ngành cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về khai báo y yế, xuất nhập cảnh, theo dõi và kiểm soát các con đường xâm nhập. Trong đó, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát người đi, đến thành phố. Người dân đến các địa phương đang có ca lây nhiễm phải khai báo y tế. Ngành y tế tổ chức giám sát các ca nghi ngờ… Nhấn mạnh, phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, với tinh thần “chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị, Sở ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời thực hiện nghiêm các Bộ chỉ số an toàn với dịch bệnh ở mức độ cao nhất.
“Các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án để xử lý tình huống khi có 1 hoặc nhiều ca nhiễm. Nếu cơ sở nào không đảm bảo được phương án phòng, chống dịch hiệu quả thì tạm thời ngừng hoạt động” – Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh yêu cầu..
Đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các quy định của thành phố trong tình hình dịch bệnh như hiện nay; các lễ hội, hội nghị trong trường hợp cần tổ chức trực tiếp phải đảm bảo quy mô, giãn cách, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Khuyến khích tổ chức hội nghị trực tuyến.
Tại cuộc họp, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế của TP. Thủ Đức và quận huyện chủ động cập nhật hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng cho mọi tình huống của dịch bệnh covid-19; chủ động, diễn tập các kịch bản, phương án để đảm bảo tính khả thi phù hợp với đặc điểm, năng lực của từng địa phương.
Cụ thể, các đơn vị sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh lan rộng như: tăng cường năng lực xét nghiệm; mở rộng các khu cách ly tập trung để nâng tổng số toàn thành phố lên 10.000 giường bệnh; sẵn sàng phương án điều trị cho 50 – 100 người bệnh theo kế hoạch của ngành y tế. Đồng thời dự trù kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100 – 200 người bệnh.
“Ngành y tế tiếp tục kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo.