TP. Hải Phòng: Sẽ kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc cưới
Công an TP Hải Phòng vừa ban hành kế hoạch về kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn thành phố. Thời gian kiểm tra từ ngày 10/3/2023 đến ngày 10/4/2023.
Theo đó, kế hoạch hướng tới mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người lao động và nhân dân trong việc chấp hành các quy định của Pháp luật về phòng cháy chữa cháy; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn thành phố góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra để nắm chắc tình hình công tác phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót và vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Giám đốc Công an TP. Hải Phòng yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc cưới đảm bảo đúng quy trình, quy định về công tác kiểm tra. Trường hợp phát hiện vi phạm thì phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định pháp luật.
Lực lượng chức năng TP Hải Phòng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh (Ảnh: Công an Hải Phòng) |
Về đối tượng kiểm tra, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đề nghị tiến hành kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc cưới thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
Nội dung kiểm tra bao gồm kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy; kiểm tra điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở gồm: Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy; việc ban hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy; việc chấp hành các quy định của Pháp luật về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
Công tác tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của cơ sở, công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và những người làm việc tại môi trường nguy hiểm cháy, nổ.
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cần kiểm tra các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và chế độ thực tập phương án của cơ sở; các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khác của cơ sở như các giải pháp, điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan, khoảng cách an toàn giữa các nhà và công trình;
Các điều kiện bảo đảm thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy, hệ thống thông gió thoát khói; Điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống chống sét, hệ thống chống tĩnh điện; Bố trí sắp xếp bảo quản các chất nguy hiểm về cháy, nổ; Số lượng, chủng loại và tình trạng hoạt động của các phương tiện, thiết bị chữa cháy…