Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, chiều ngày 23/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, ghi nhận và chúc mừng Lãnh đạo Bộ Công Thương, nguyên Lãnh đạo Bộ Công Thương, cùng toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương trước các thành tích đạt được trong năm 2024.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao báo cáo tổng kết phong phú, đa dạng, súc tích và toàn diện, chi tiết những kết quả đạt được năm 2024 của toàn ngành Công Thương. Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến đề xuất, đề nghị của các đại diện, đơn vị trong ngành và địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu, hiện thực hoá trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này. “Nhiệm vụ đặt ra rất lớn, nhưng cũng hết sức vinh quang” – Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề để ngành Công Thương nghiên cứu, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Một là, muốn giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư việc đầu tiên là phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược.
Hai là, cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam. Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim; cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử, bán dẫn; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Ba là, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc và là một bài toán khó trong bối cảnh những năm vừa qua chưa có nhiều dự án nguồn điện mới, lưới điện được triển khai. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động điều độ, vận hành hệ thống, nhất là sau khi Bộ đã tiếp nhận và thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), cần tập trung triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng, thị trường điện, trong đó có rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, phù hợp với xu thế chung của thế giới và tiềm năng, lợi thế, điều kiện của đất nước.
Bốn là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường.
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm, Lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 6 giải pháp để ngành Công Thương phát triển đột phá trong kỷ nguyên vươn mình
Tiếp thu những phát biểu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại hội nghị người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cảm ơn những chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng và cho biết, ngành Công Thương sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, nhân dân giao phó.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên |
Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các đại biểu đã cùng thống nhất nhận định: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của Ngành; là năm toàn ngành Công Thương quyết tâm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này; đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương |
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế; xác định đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).
Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu; đồng thời, chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Năm là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nội địa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Sáu là, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế tạo đột phá, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhấn mạnh: Năm 2024 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, vì xu hướng toàn cầu về hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến bất lợi, khó lường.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Cấn Dũng |
Tuy nhiên, với quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương là một mặt duy trì và thúc đẩy hơn nữa các thị trường truyền thống thông qua việc kết hợp hài hoà các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và song phương. Song song với đó là có các bước đột phá ở những thị trường mới ở khu vực Trung Đông và tiếp theo đó là các khu vực khác… Nhờ đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 hướng tới mục tiêu 800 tỷ USD.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Vụ Mailystyle là một trong những vụ việc điển hình về vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử
Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 5.124 vụ việc, tổng số tiền xử lý 143,641 tỉ đồng, phạt hành chính 70,565 tỉ đồng. Số vụ chuyển cơ quan điều tra là 43 vụ. Tổng số tiền thu được nộp ngân sách là 86,870 tỉ đồng, đạt 127% so với chỉ tiêu.
Ông Chu Xuân Kiên |
“Đây là sự phấn đấu chung của lực lượng quản thị trường Hà Nội cũng như Tổng cục Quản lý thị trường”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 132 vụ việc về khí N2O, phạt hành chính 2,9 tỉ đồng.
Trong vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã đã phát hiện 617 vụ, phạt 9,6 tỷ đồng và trị giá tang vật khoảng 3,6 tỉ đồng.
“Điển hình là vụ Mailystyle, chúng tôi phối hợp kiểm tra dấu hiệu vi phạm trên thương mại điện tử với A05. Ngay thời điểm kiểm tra thu giữ tổng số tiền hàng hơn 20 tỉ đồng và 126.000 sản phẩm. Đó là vụ việc rất lớn. Hiện hồ sơ đang chuyển lên cơ quan công an để kiểm tra”, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin.
Bên cạnh đó, về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thực hiện rất tốt. Trong năm 2024, đã xử lý được 980 vụ việc, phạt hành chính 14,9 tỉ đồng, giá trị tang vật 13,9 tỉ đồng, hàng hóa vi phạm 414.000 sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng kiến nghị Bộ Công Thương một số nội dung. Liên quan về phát triển năng lượng tái tạo, ông Trịnh Minh Hoàng đề nghị, bộ tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc dự án năng lượng tái tạo.
ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất phương án tái khởi động dự án điện hạt nhân. Ảnh: Cấn Dũng. |
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo đầy đủ, đồng bộ về quy định, hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Cơ chế, chính sách giá mua điện các loại hình năng lượng tái tạo đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư. Rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực triển khai đầu tư dự án chuyên ngành điện. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng truyền tải...
Về việc thúc đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân.
Đồng thời, xác định cụ thể lộ trình triển khai các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để tỉnh có cơ sở điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn trong thành tích xuất khẩu nông sản
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng, với sự vào cuộc đồng bộ của ngành Công Thương trong năm 2024, đã tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản khi giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%. Lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng |
11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu lâm sản, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%,...).
"Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị hai bộ cũng như sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan địa phương đang góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045", Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành tích của Long An có đóng góp to lớn của Bộ Công Thương
Ông Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – cho biết: Năm 2024, Long An xác định là năm bứt phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ sau đại dịch Covid-19.
Ông Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An |
Theo đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, cụ thể các chương trình, nhiệm vụ do Chính phủ, bộ, ngành giao và đã có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,3%, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 21 cả nước.
Riêng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng 11,26%; khởi công nhiều dự án công nghiệp, thương mại có vốn đầu tư lớn, kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm cho người dân.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của địa phương cũng đạt gần 13 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ, tăng 25,58%.
Năm qua, thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 104.100 tỷ đồng, tăng 18,02% so với cùng kỳ. Qua đó, góp phần đưa công tác thu ngân sách nhà nước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đóng góp vào thành tích chung của Long An có vai trò to lớn của Bộ Công Thương. Cùng với đó, bộ cũng tích cực hỗ trợ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp tỉnh với các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu nước ngoài để kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.
Thực tế, sau 2 lần được Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu – Long An năm 2023 và 2024 thành công, hình ảnh môi trường đầu tư, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Long An được nhiều nhà đầu tư, nhà nhập khẩu nước ngoài biết đến. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã trực tiếp đến Long An để tìm hiểu môi trường đầu tư, kết nối giao thương.
Bộ Ngoại giao: Bộ Công Thương duy trì xuất khẩu kỷ lục, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP cả nước
Ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, năm 2024, ngành Công Thương duy trì thành tích xuất khẩu ấn tượng, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng GDP của năm 2024.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao |
Đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, kinh tế thế giới tuy phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt khó, tăng tốc để tiếp tục là lực lượng tăng trưởng quan trọng.
Đặc biệt, năm qua đối với Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thông suốt hoạt động xuất khẩu hàng hóa; mở cửa chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu... góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước tiếp cận con số kỷ lục là 200 tỷ USD.
Thứ hai là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo mạng lưới liên kết kinh tế rộng khác.
Ngành Công Thương và cả nước đã tích cực thúc đẩy ký kết các FTA thế hệ mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17 FTA, trong đó nổi bật Hiệp định CEPA và kỷ lục về thời gian đàm phán đã mở ra nhiều cơ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả khu vực Trung Đông.
Không những vậy, Bộ Công Thương cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, tăng cường các động lực phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ công tác hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.
Về chuyển đổi số, ngành Công Thương đã tận dụng xu hướng chuyển đổi số để thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành trung tâm phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước.
EVN đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết: Về đầu tư xây dựng EVN có nhiều điểm sáng, năm nay Tập đoàn đã thực hiện giải ngân 112.892 tỷ đồng, vượt 10,8% so với kế hoạch và cao nhất trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ngoài ra, theo ông Đặng Hoàng An, các kết quả liên quan đến đường dây 500kV đã được thể hiện rõ. EVN cũng đưa vào hoạt động tổ máy số 2 Thủy điện Yaly, đóng góp 360MW cho đất nước.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An |
“216 công trình, 4.000km đường dây và 17.000MVA mới công suất trạm biến áp đã được đóng điện trong năm nay. EVN cảm ơn sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về năng lượng cũng như sự ủng hộ của các địa phương”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Thông tin thêm, Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, sau nhiều năm tình tài chính năm nay cũng được cải thiện, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật EVN vẫn đang duy trì ở top 4 ASEAN, đặc biệt là độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số bình quân mất điện khách hàng đã giảm rất sâu so với những năm trước.
Bên cạnh đó, về dịch vụ khách hàng, có hơn 98% khách hàng không dùng tiền mặt và 12 dịch vụ về điện hoàn toàn trực tuyến, năng suất lao động tăng 9,9%.
Ông Đặng Hoàng An khẳng định, EVN đã sản xuất thành công máy biến áp 500kV, Việt Nam vẫn là nước duy nhất và EVN cũng là doanh nghiệp duy nhất chế tạo được máy biến áp 500kV ở Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Ngành Công Thương “về đích” với hàng loạt thành tích ấn tượng
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương, tổ chức chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng |
Trong đó, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
“Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu rõ.
Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩuđã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Với những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, đó là kết quả của tổng lực những cố gắng từ các đơn vị thuộc bộ trong thực hiện các nhiệm vụ của mình. Đặc biệt công tác xây dựng chính sách đã được Bộ Công Thương thực hiện rất tích cực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Ngành Công Thương đóng góp tích cực vào thành tích chung của cả nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết Quý 3 mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị |
Các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... gắn với thương mại của Mỹ); Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục định hình lại các hình thức, loại hình đầu tư FDI toàn cầu.
Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Năm 2024 đối mặt với diễn biến thiên tai bất lợi, đặc biệt, siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kinh tế cả nước tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn ; doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Các cân đối lớn được đảm bảo.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, là tốc độ tăng rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ…
Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Video: Ngành Công Thương hoàn thành và vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024
This browser does not support the video element.
Chiều ngày 23/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện các bộ, ngành và các đơn vị liên quan.