Thứ năm 02/01/2025 20:44

TKV tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường

Trong những năm qua TKV đã tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt nguồn thải, nhằm hướng đến sản xuất xanh, sạch, bền vững.

Xanh hóa sản xuất

Ông Nguyễn Mạnh Chuyền - Phó Trưởng ban Môi trường, TKV - cho biết: Công tác bảo vệ môi trường trong các đơn vị toàn Tập đoàn thường xuyên được duy trì, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật và các yêu cầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV). Không chỉ xanh hóa không gian khai thác, các đơn vị còn đầu tư nhiều thiết bị, hạng mục công trình để cải thiện môi trường sản xuất, nhất là cải thiện điều kiện vi khí hậu.

Xanh hóa môi trường làm việc tại các đơn vị của TKV (Ảnh: Thu Hường)

Đối với việc chống bụi, các đơn vị thuộc TKV đã đầu tư, củng cố hệ thống lưới chắn bụi tại các kho than tập trung; duy trì thường xuyên tưới nước dập bụi, vệ sinh môi trường trên cung đường vận chuyển chuyên dụng dài 30km.

"TKV đang vận hành hiệu quả gần 120 thiết bị phun sương dập bụi cao áp, 167 xe tưới đường chuyên dụng, đồng thời huy động tối đa các phương tiện tưới nước dập bụi trong khai trường, dập bụi đầu băng tải, hệ thống phun sương cố định,… nhằm giảm tối đa lượng bụi phát tán" - ông Nguyễn Mạnh Chuyền cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền, hiện TKV đang vận hành đồng bộ và hiệu quả trên 54 trạm xử lý nước thải (XLNT) mỏ với khối lượng xử lý hàng năm đạt trên 150 triệu m3. Các trạm xử lý đều được lắp đặt hệ thống điều khiển liên động cùng với hệ thống quan trắc tự động liên tục để giám sát chất lượng nước thải được xử lý, đảm bảo toàn bộ nước thải mỏ được xử lý triệt để và đáp ứng quy chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường.

Ngoài ra, TKV quản lý vận hành hiệu quả trên 39 trạm XLNT công nghiệp và 80 trạm XLNT sinh hoạt tập trung nhằm xử lý đáp ứng các quy chuẩn môi trường đối với nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Dự kiến giai đoạn đến năm 2030, TKV sẽ đưa vào vận hành mới 11 trạm XLNT mỏ, nâng tổng số các trạm XLNT mỏ lên 65 trạm với tổng công suất xử lý khoảng 200 triệu m3/năm.

TKV quản lý vận hành hiệu quả trên 39 trạm XLNT công nghiệp và 80 trạm XLNT sinh hoạt tập trung nhằm xử lý đáp ứng các quy chuẩn môi trường (Ảnh: Phượng Đại)

Cùng với đó, TKV đã tiến hành các giải pháp nghiên cứu để tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt phục vụ dân sinh và công nghiệp trên địa bàn các thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, hướng tới đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho các khu vực này sau năm 2030 để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; thu hồi, chế biến đất đá thải sau khai thác khoáng sản tại các mỏ than và tro xỉ nhà máy điện thành vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương và các vùng lân cận.

Còn tại Nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp của TKV tại Quảng Ninh, hàng năm nhà máy đã xử lý trên 3.600 tấn chất thải nguy hại của các đơn vị thành viên, loại trừ nguy cơ sự cố môi trường do vận chuyển chất thải liên tỉnh, trong đó trên 50% sản phẩm sau xử lý được tái sử dụng cho sản xuất; tro xỉ nhiệt điện được tái sử dụng trên 27% trong tổng số khoảng 2,7 triệu tấn/năm để làm vật liệu xây dựng và san lấp nền, phần còn lại được quản lý, đổ thải theo đúng quy định; các loại chất thải khác phát sinh trong sản xuất đều được thu gom, xử lý theo đúng quy định.

Kiểm soát chặt nguồn thải

Nhằm giảm phát tán bụi ra môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển, Tập đoàn thường xuyên tăng cường phun tưới nước dập bụi, vệ sinh môi trường; vận hành hiệu quả trên 110 thiết bị phun sương dập bụi cao áp cùng các loại xe tưới đường và hệ thống dập bụi khác, giảm thiểu tối đa sự phát thải của bụi ra môi trường xung quanh.

Đồng thời, chú trọng các giải pháp trồng cây phủ xanh, cải tạo phục hồi môi trường và cảnh quanh. Tính đến hết năm 2023, toàn TKV đã trồng trên 2.000ha (tương ứng với trên 10,0 triệu cây xanh) trong đó bao gồm khoảng 35ha diện tích kết hợp trồng xen cây bản địa (lim, lát, giổi) để tăng cường hiệu quả kinh tế rừng.

Tính đến hết năm 2023, toàn TKV đã trồng trên 2.000ha tương ứng với trên 10,0 triệu cây xanh (Ảnh: Thu Hường)

"TKV tổ chức có hiệu quả công tác chăm sóc và duy trì sự phát triển, tăng trưởng của cây trồng. Cùng với đó, hàng năm tiến hành trồng mới từ 200 - 400ha (tương ứng 1 - 2 triệu cây xanh/năm), thúc đẩy cải thiện cảnh quan môi trường nơi sản xuất và làm việc, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ”"- ông Chuyền cho hay.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than ra cảng thay thế ô tô, hạn chế tối đa sự phát sinh bụi, ồn, khí thải; hệ thống biến tần điều khiển cho các thiết bị điện có công suất lớn để tiết kiệm điện; tận thu, sử dụng hiệu quả tài nguyên thông qua chế biến sâu, triệt để các loại than chất lượng xấu ngoài tiêu chuẩn.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim hóa chất và alumin, TKV đã củng cố đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập chứa bùn đỏ, hồ thải quặng đuôi của các đơn vị khai thác khoáng sản, bauxit; tro xỉ, bùn thải được thu gom và quản lý theo đúng quy định, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với chất thải.

Hệ thống xử lý khí thải, lọc bụi tĩnh điện tại các nhà máy nhiệt điện than được đầu tư đồng bộ cùng dây truyền sản xuất, kiểm soát tự động, liên tục đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường và được các cơ quan quản lý xác nhận trước khi đưa vào vận hành, hệ thống quan trắc tự động khí thải các nhà máy điện được truyền tự động liên tục về Sở Tài nguyên Môi trường các địa phương theo đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo quy chuẩn môi trường QCVN 22:2009/BTNMT; triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường cho các nhà máy để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, TKV luôn tuân thủ nghĩa vụ tài chính về thuế, phí môi trường. Hàng năm TKV nộp gần 1.500 tỷ đồng thuế môi trường và gần 1.000 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường, đồng thời dành nguồn chi phí từ 1.200 - 1.400 tỷ đồng để phục vụ cho các phương án và giải pháp kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền, để có thể thực hiện tốt lộ trình phát triển sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, TKV đề nghị cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn, định hướng và chính sách cụ thể về chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn thay thế khác để tạo hành lang pháp lý cho sự chuyển đổi của các NMNĐ đốt than.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển đổi nhiên liệu từ công nghệ cho tới nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng tiến độ theo lộ trình cam kết và yêu cầu về giảm phát thải của các tổ chức quốc tế/khu vực/quốc gia liên quan, cũng như có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc trồng rừng phủ xanh thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn…

Thu Hường