Thứ tư 27/11/2024 19:32

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.

Hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị số 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả với nhiều thành quả nổi bật. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo, về tăng trưởng kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 375,8 nghìn tỷ đồng, tăng 241,1 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm.

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Theo đó, số tiền ủy thác đến nay đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8%/tổng nguồn vốn, tăng 45,1 nghìn tỷ đồng so trước khi có Chỉ thị số 40.

“Đây là nguồn lực lớn, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.

Với nguồn lực này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 358,9 nghìn tỷ đồng, tăng 229,4 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so cuối năm 2014 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay là 0,55%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Linh Anh

Tại Tọa đàm Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội do Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức ngày 9/11 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, với những thành quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đơn cử tại Trà Vinh, địa phương này đã bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 633 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời chuyển tải chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng. Hiện dư nợ tín dụng chính sách tại Trà Vinh đạt 4.677 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 18%/năm. Hơn 129 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được vay vốn, với tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,18%/tổng dư nợ.

“Những con số này minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, giai đoạn 2014-2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh giảm từ 10,66% xuống còn 1,8%; và từ 2021 đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 1,19%. Đặc biệt, chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh Nông thôn mới” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình khẳng định.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cũng chia sẻ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 473,9 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn phát triển sản xuất; góp phần giúp 102,4 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 52,3 nghìn lao động; hỗ trợ 22,4 nghìn học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng... Từ đó góp phần quan trọng thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đang cung cấp 19 chương trình cho vay với tổng dư nợ đến cuối tháng 10/2024 đạt 4.606 tỷ đồng với 61.266 hộ còn dư nợ.

Cần đảm bảo cân đối nguồn vốn bền vững

Bên cạnh những thành công đạt được, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, đơn giản hóa trình tự, thủ tục vay vốn, đặc biệt là tín dụng hộ nghèo; sớm nghiên cứu tích hợp các cơ chế cho vay ưu đãi cho các mục tiêu của từng nhóm đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được hưởng mức ưu đãi về lãi suất và gia hạn cao hơn các hộ nghèo, cận nghèo cư trú tại vùng miền núi, biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn thì sẽ tới mức ưu đãi về lãi suất và gia hạn cao nhất. Ngân hàng Chính sách xã hội được tạo điều kiện để tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài, lãi suất thấp để tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay có hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Ảnh: Linh Anh

Nêu thực tế tại địa phương, bà Đoàn Thị Lê An cho rằng, thực tế ranh giới giữa nghèo và tái nghèo rất gần, thoát nghèo không bền vững. Bởi với điều kiện địa lý, điều kiện về sản xuất kinh doanh cũng khó khăn hơn với các tỉnh đồng bằng. Các chương trình tín dụng chính sách cho vay để làm nhà ở, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… chưa phù hợp với tình hình thực tế và giá cả thị trường. Đại biểu Đoàn Thị Lê An lấy ví dụ: Khi người dân vay vốn để xây bể nước sạch, chi phí vận chuyển, xây dựng thực tế cao hơn so với các tỉnh đồng bằng. Đại biểu cũng đề nghị tạo điều kiện cho nhóm đối tượng có mức sống trung bình được hỗ trợ vay vốn.

Đồng quan điểm ông Thạch Phước Bình đề nghị, nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ ứng dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình. Đây là vấn đề cử tri cũng rất quan tâm, bởi thực tiễn cho thấy, bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 người thoát nghèo nhưng lại có khoảng 150.000 người khó khăn về tài chính, có nguy cơ tái nghèo. Do đó, những hộ dân này cũng cần sự hỗ trợ, có “bà đỡ” để có động lực và nguồn tiếp tục duy trì.

“Hơn ai hết, Ngân hàng Chính sách xã hội là “bà đỡ” cho đối tượng này. Nhu cầu vay của người dân là rất lớn, mặc dù các địa phương có nhiều cố gắng ủy thác nguồn vốn cho ngân hàng, nhưng thực tế vẫn còn hạn chế” - đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận chia sẻ, việc thực hiện Chỉ thị số 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Bởi nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung, dài hạn (dư nợ trung, dài hạn chiếm 99,4%), trong đó nguồn vốn dài hạn trên 5 năm của ngân hàng chỉ chiếm 41,8%; nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỷ trọng thấp (12%), chưa thực sự phù hợp với định hướng, mục tiêu Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030. Bên cạnh đó, nguồn vốn ủy thác tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

“Chính sách tín dụng chưa triệt để, chưa bao trùm hết các đối tượng có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi, như chưa có chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh” - ông Thuận khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề xuất cơ quan Đảng ban hành một văn bản chỉ đạo mới về tín dụng chính sách và nhấn mạnh văn bản này cần tạo ra động lực mới và khắc phục nhược điểm hiện nay của tín dụng chính sách như thiếu vốn, cơ cấu vốn không ổn định và cần đáp ứng tổng nguồn vốn đủ để thực hiện mục tiêu đề ra. Ông đưa ra đề xuất này từ thực tế hiện nay đang thiếu các quy định pháp lý về việc bố trí nguồn vốn đầu tư công bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, hiện chỉ có quy định bố trí nguồn chi phí cho hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù lãi suất.

“Điều này đòi hỏi Quốc hội cần thể chế hóa và cập nhật trong việc sửa Luật Đầu tư công tới đây. Việc bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách từ nguồn đầu tư công không chỉ cần trong kế hoạch trung hạn cả hàng năm. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao bởi có chính sách mà không có vốn triển khai sẽ làm hạn chế hiệu quả chính sách” - ông Đoan cho biết.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Chí Hiếu nhìn nhận, việc thực hiện nghiêm các chính sách về vốn, đảm bảo cân đối nguồn vốn bền vững là điều kiện để nâng cao tính hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của chính sách. Bởi chỉ cần mức cho vay không phù hợp với hoàn cảnh, thấp hơn nhu cầu thì chính sách cũng kém hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ mong muốn: “Có một chỉ thị yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội”. Ngoài ra, để bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn vốn, ông Hiếu gợi ý có thể sử dụng kênh trái phiếu Chính phủ.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Chính sách xã hội

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

Tổng thuật: Tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Phối hợp đảm bảo an ninh an toàn lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tài chính quốc gia

Thống đốc Ngân hàng giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn mới

Sắp diễn ra tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng trần sau tin bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại

Thúc đẩy tài chính xanh sẽ là "con đường" cho mục tiêu Net Zero

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phương án nào là phù hợp?

Việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng

LPBank ra mắt giải pháp ưu việt 'Tài khoản sinh lời lộc phát'

Đầu tư bền vững: Bảo vệ tương lai từ những quyết định hôm nay của bạn

Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia: Cần phương án hài hòa để đạt được các mục tiêu

Prudential ứng dụng AI giúp tối ưu hóa quy trình chi trả

Bảo hiểm Agribank nâng mức chi trả Bảo An tín dụng lên 1 tỷ đồng: khách hàng luôn được bảo vệ tốt nhất

Thẻ tín dụng LPBank - 'Bí kíp' chi tiêu thông minh cuối năm

'Giấc mơ hồng' Bitcoin: Càng sát mốc kỷ lục 100.000 USD, nhà đầu tư càng nên cẩn trọng

Ngân hàng Quân đội trợ lực khách hàng, tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói vay chỉ từ 5,5%/năm

VietinBank duy trì đà tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Lộ trình nào phù hợp?