Tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị
Tọa đàm với chủ đề "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị 2025" do Báo Kinh tế và Đô thị, Chuyên trang Diễn đàn Đô thị phối hợp cùng Khoa Nội thất – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Cộng đồng Thiết kế nội thất trẻ Việt Nam tổ chức.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, đại diện các doanh nghiệp đầu tư, thi công uy tín.
Toàn cảnh hội thảo |
Trong những năm gần đây, việc nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị là một trong những đề tài nhận được nhiều sự quan tâm và được xem như là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững.
Cùng với đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chi phối mạnh mẽ sự phát triển của toàn thế giới, làm thay đổi quan điểm về phát triển kiến trúc.
Từ những thành phố hiện đại san sát nhà cao tầng cùng hệ thống giao thông tốc độ cao, con người lại tìm kiếm và xây dựng lại những chuẩn mực của một thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh.
Thế giới đang nỗ lực xây dựng môi trường sống có chất lượng, an toàn và thông minh hơn nhờ vào tiến bộ của công nghệ, ưu tiên phát triển kiến trúc xanh, thân thiện, bền vững với môi trường, ưu tiên những không gian cho các hoạt động giao tiếp xã hội được diễn ra an toàn và sống động. Việc tạo ra một không gian sống chất lượng đã trở thành một bài toán lớn, liên tục biến thiên với nhiều hệ số, đòi hỏi người kiến trúc sư và đơn vị thi công dành nhiều thời gian tìm tòi đáp án.
PGS- TS. Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, tại Việt Nam, vấn đề nhà ở đô thị ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo trong thiết kế và xây dựng.
Để giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả, cần phải có sự hợp tác sâu rộng giữa các chuyên gia và các bên liên quan. Tọa đàm hướng đến việc đổi mới sáng tạo trong thiết kế các không gian nhà ở trong các thành phố, từ đó tạo ra những môi trường sống bền vững và hài hòa với tự nhiên. Tầm nhìn của chương trình là thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong kiến trúc đô thị, từ các khu dân cư nhỏ đến các dự án lớn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cư dân.
Việc khuyến khích các kiến trúc sư và chuyên gia trong ngành xây dựng tìm ra các giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động của các dự án xây dựng đến môi trường và tài nguyên, bao gồm việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế không gian xanh và công nghệ xây dựng tiên tiến.
PGS- TS.Nguyễn Thành Lợi cũng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị gồm: Khảo sát và ứng dụng các xu hướng mới: Liên tục cập nhật và áp dụng những xu hướng mới trong thiết kế nhà ở đô thị, từ những công nghệ xanh đến các phương pháp xử lý chất thải và nước thải hiệu quả.
Xây dựng cộng đồng tri thức: Phát triển một mạng lưới các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các kiến trúc sư để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn trong việc thiết kế và nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị.
Nâng cao chất lượng cuộc sống: Tập trung vào việc tạo ra các không gian sống an toàn, thoải mái và thân thiện với môi trường cho cư dân, từ đó cải thiện sức khỏe và tăng cường mối quan hệ cộng đồng.
Chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm |
Khuyến khích sự đổi mới và hợp tác: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên liên quan như nhà thiết kế, những doanh nghiệp xây dựng và cộng đồng dân cư để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các dự án nhà ở đô thị.
“Tọa đàm không chỉ là nơi thảo luận về các xu hướng mới trong thiết kế và xây dựng mà còn là nền tảng thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác để xây dựng những mô hình nhà ở đô thị tiên tiến và bền vững. Qua việc kết nối các kiến trúc sư, các nhà thiết kế hướng đến mục tiêu tạo ra những giải pháp thiết kế và nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị đáp ứng tối đa nhu cầu của cư dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của các đô thị tại Việt Nam”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung chia sẻ, trao đổi và thảo luận về mục tiêu đóng góp, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đô thị; công nghệ mới trong tổ chức không gian sống cho nhà ở đô thị; an toàn và tiện nghi trong tổ chức không gian kiến trúc - nội thất nhà ở đô thị; công nghệ cơ điện thông minh cho nhà ở đô thị; thiết kế nội thất của nội thất trong không gian nhà ở đô thị.
Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Bàn luận về công nghệ mới trong tổ chức không gian sống cho nhà ở đô thị”, PGS-TS. Kiến trúc sư Vũ Hồng Cương - Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam, Trưởng khoa Nội thất Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã nêu lên một số quan điểm về thiết kế nhà ở, cùng những vai trò của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật nội thất, qua đó đưa ra những thiết kế nội thất và chất lượng không gian sống.
PGS-TS. Kiến trúc sư Vũ Hồng Cương cho rằng, ngoài thẩm mỹ, công năng của ngôi nhà là yếu tố quan trọng, đang dần thay đổi và chịu tác động không nhỏ bởi công nghệ và kỹ thuật. Giải pháp kiến trúc và nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị là vấn đề rộng, có nhiều cách tiếp cận nhưng tọa đàm sẽ giới hạn trong những vấn đề liên quan tới công nghệ mới, giúp ngôi nhà thêm phần an toàn, tiện nghi.
Tiến sĩ- Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu ra các giải pháp an toàn và tiện nghi trong tổ chức không gian kiến trúc - nội thất nhà ở đô thị. Với tốc độ đô thị hóa cao xu hướng căn hộ với các diện tích nhỏ, căn hộ Mini đang rất thịnh hành tại các nước phát triển ở châu Á. Các xu hướng này đang dần lan đến Việt Nam, căn hộ rộng rãi trở thành thứ xa xỉ mà không phải ai cũng mua được, do đó cần phải tận dụng không gian sống một cách thông minh và hiệu quả.
Kỹ sư Trịnh Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần iHäus đã giới thiệu công nghệ cơ điện thông minh cho nhà ở đô thị. Theo đó, để bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và công năng sắp đặt cho không gian nội thất vừa bảo đảm khoa học nhưng đạt yếu tố nghệ thuật, đội ngũ cơ điện cần phối hợp chặt chẽ với thiết kế nội thất ngay trong giai đoạn đầu.
Đưa ra khái niệm “nội thất trong nội thất”, Tiến sĩ- Nhà thiết kế Lưu Việt Thắng - Trưởng khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh, đó là các giải pháp, phụ kiện nằm bên trong cánh cửa các hạng mục nội thất. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các phụ kiện, giải pháp này hỗ trợ cho gia chủ, tăng công năng sử dụng.