Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra từ đầu năm |
Nổi bật là dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước song CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng nhẹ ở mức 2,71% so với cùng kỳ - đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Trong lĩnh vực sản xuất, cụ thể là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định, đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 10,9%.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Cùng đó, hoạt động xuất khẩu hàng hoá tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 23 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
Những tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.
Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trên cơ sở những khó khăn, thách thức, như: giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ làm gia tăng sức ép lạm phát; xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực tăng chậm hoặc giảm; giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý nhiệm vụ trong quý II và các tháng cuối năm rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết 35 và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp... để bảo đảm đạt các mục tiêu đã đề ra trong năm “bứt phá” 2019.
Trong đó, một số giải pháp cần tập trung là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; có phương án căn cơ để giải quyết việc xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản, chú trọng mặt hàng cá tra; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…
Thành lập 3 Đoàn kiểm tra về tình hình điều chỉnh giá bán điện
Tại cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, căn cứ vào quyết định số 24/QĐ – TTg ngày 30/6/ 2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày25/7/2017 về khung giá và mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 và trên cơ sở đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ các phương án điều chỉnh giá điện. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3/2019.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Sau khi đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá – tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá những tác động gián tiếp trong thực tế |
Sau một tháng thực hiện, đã có nhiều ý kiến của khách hàng sử dụng điện phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao, ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1114/QĐ-BCT về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Và ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Về việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá lại tác động của việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, trước khi ban hành quyết định về việc điều chỉnh giá điện, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã có đánh giá tác động toàn diện để trình Chính phủ, bao gồm cả nội dung đánh giá tác động đến CPI, đến tăng trưởng GDP cũng như tác động đến các mặt hàng khác như thế nào.
Đặc biệt, sau khi đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá – đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá những tác động gián tiếp trong thực tế của việc điều chính giá điện.