Thứ sáu 22/11/2024 07:58

Tiếp tục phát huy vai trò trụ cột an sinh xã hội

An sinh xã hội (ASXH) là một trong những nội dung quan trọng được Đảng ta đề cập toàn diện, xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tốt các chính sách ASXH - trụ cột là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 định hướng: Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo hiểm xã hội (BHXH), tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng thời, theo Chiến lược tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Chính sách BHXH, BHYT đang phát huy vai trò trụ cột ASXH quan trọng

Theo BHXH Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, BHXH Việt Nam, cơ quan được giao tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng của Đảng về ASXH, trong đó trụ cột chính là BHXH, BHYT; đồng thời luôn chủ động, bám sát các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Nhờ những nỗ lực trong suốt những năm qua, giai đoạn 2016-2019, bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hàng năm khoảng 5-7%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số người tham gia BHXH bắt buộc hết năm 2020 là 15.033.644 người, đạt 95,3% kế hoạch giao, chiếm 30,42% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2016 là 203.871 người đến năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.128.145 người (bằng 553,4% so với năm 2016), đạt 184% kế hoạch giao, chiếm 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến tháng 7/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.194.068 người, tăng 5,84% so với năm 2020. Số người tham gia BHYT tăng hàng năm với tốc độ khoảng 3-7%, năm 2017 tăng cao nhất đạt 6,9%; năm 2020 số người tham gia BHYT là 87.978.004 người, đạt 100,2% kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ 90,9% dân số.

Riêng năm 2020, ngành BHXH đã giải quyết trên 133.867 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người, tăng khoảng 12% so với năm 2016); trên 876.702 người hưởng trợ cấp 1 lần; trên 9,69 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Tổng số tiền chi trả chế độ BHXH năm 2020 là 230.133 tỷ đồng (trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước 45.507 tỷ đồng, chi BHXH từ Qũy BHXH 184.626 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo BHXH Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2019, số người hưởng và số chi trả các chế độ BHTN tăng đều qua các năm. Đặc biệt, năm 2020 dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội; nhiều người lao động mất việc làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì BHTN đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình. Tính từ năm 2016 đến tháng 7/2021, số lượt người được chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 4.321.573 lượt người, với số tiền 61.084 tỷ đồng; chi hỗ trợ học nghề cho 300.428 lượt người (bằng 7% tổng số người hưởng TCTN), với số tiền 547,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2020, đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,605 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) nội trú và ngoại trú; so với năm 2015 (có 130,2 triệu lượt KCB), tăng hơn 37 triệu lượt người (28,7%); số tiền chi khám chữa bệnh (49.035 tỷ đồng), tăng 53.886 tỷ đồng (hơn gấp 02 lần).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm, trong suốt quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động tác nghiệp trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT. Việc rà soát, cải cách TTHC lĩnh vực tham gia và giải quyết chế độ về BHXH, BHYT được tiến hành thường xuyên theo hướng rút gọn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.

"Đặc biệt, trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, đề xuất và khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nêu cao quyết tâm chính trị của toàn ngành trong công tác chung tay cùng các cấp, các ngành phòng chống dịch Covid-19"- ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Tính đến hết ngày 19/8/2021, kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, ngành BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng; tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 277 đơn vị với 46.407 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 323,9 tỷ đồng tại 38/63 tỉnh, thành phố; xác nhận danh sách cho 346.871 lao động của 18.813 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở các nền tảng đã đạt được, để góp phần bảo đảm ASXH, thời gian tới Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ, ngành BHXH sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân; Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHTN bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp; Đề xuất sửa đổi Luật BHYT theo hướng bảo đảm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân; bổ sung, đa dạng hóa các sản phẩm BHYT…

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện cải cách trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT để củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống BHXH, BHYT thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT gắn với chỉ tiêu phát triển người tham gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao tính phục vụ, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng. Đặc biệt, chủ động tham mưu, đề xuất và quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An yêu cầu các đơn vị giải quyết hồ sơ cho F0 tại nhà hưởng BHXH

Trao tặng hơn 12 nghìn sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Dấu ấn 27 năm xây dựng và phát triển

Ngành bảo hiểm xã hội mang Tết ấm đến với người nghèo

Phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho các hộ nghèo

Ngành bảo hiểm xã hội: Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ năm 2022

Sẽ có trên 2,9 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp

Dấu ấn ngành bảo hiểm xã hội năm 2021

Nghị quyết 21-NQ/TW: Khẳng định vai trò trụ cột an sinh của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2022 cho người thuộc diện chính sách

Bao phủ bảo hiểm y tế học sinh sinh viên đạt 95,4%

Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ký hiệp định về bảo hiểm xã hội song phương

Nghệ An: Hơn 172.000 lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Nghệ An: Gia tăng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Tăng cường cảnh báo tin nhắn lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Hội nghị ASSA: Đảm bảo an sinh trong đại dịch Covid-19

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Lưu ý hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội